2 năm trở lại đây, trên địa bàn TP. Thái Nguyên không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. Đáng nói, trong 6 tháng qua, thành phố không ghi nhận một ca ngộ độc thực phẩm nào. Đây là một kết quả rất đáng mừng, thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành chức năng của TP. Thái Nguyên, trong đó có lực lượng y tế.
Lực lượng y tế kiểm tra mẫu thức ăn tại Trường Mầm non Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). |
Là nòng cốt trong công tác quán lý chất lượng cũng như kiểm tra, giam sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, Trung tâm Y tế thành phố luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, ngay từ cuối năm 2022, Trung tâm đã chủ động xây dựng Kế hoạch bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; phương án điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm năm 2023.
Cùng với đó là hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tới 32 trạm y tế xã, phường và các cơ sở thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh ATTP, mùa Hè.
Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, cho hay: Nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn, công tác giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, công tác bảo đảm ATTP luôn được chúng tôi quan tâm. Không chỉ đẩy mạnh giám sát bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, mùa lễ hội Xuân 2023 và triển khai, thực hiện giám sát Tháng hành động Vì chất lượng ATTP năm 2023, vừa qua, chúng tôi còn tích cực tham gia giám sát bảo đảm ATTP trong các kỳ thi THCS, THPT.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên còn chỉ đạo các trạm y tế xã, phường thực hiện công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các sự cố về ATTP; đồng thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chấp hành quy định về ATTP...
Theo đó, 6 tháng qua, tuyến xã đã thực hiện được 1.152 lượt phát thanh trên các cụm loa truyền thành của thành phố; các xã, phường; treo băng zôn trên các tuyến đường, trụ sở làm việc; tổ chức hằng trăm buổi nói chuyện chuyên đề về vệ sinh ATTP...
Bà Trần Thị Hương, tổ 7, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), nói: Các hoạt động truyền thông đã giúp người dân chúng tôi hiểu được quyền lợi của mình như được cung cấp thông tin trung thực về ATTP; được yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra…
Bên cạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Trung tâm cũng yêu cầu các trạm y tế xã, phường chủ động phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Bác sĩ Hà Đức Trịnh cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn có trên 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (trong đó có cả dịch vụ thức ăn đường phố). Riêng 6 tháng đầu năm nay, lực lượng y tế đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng kiểm tra trên 1.230 cơ sở, trong đó trên 99% cơ sở đạt yêu cầu.
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý chất lượng vệ sinh ATTP, thời gian tới, lực lượng y tế tiếp tục duy trì triển khai hoạt động chỉ đạo tuyến về công tác ATTP đối với các trạm y tế xã, phường; tích cực tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc bảo đảm vệ sinh ATTP, trong đó chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, thức ăn đường phố...
Đặc biệt là tập huấn chuyên môn cho đội ngũ kiêm nhiệm làm công tác ATTP; người quản lý và trực tiếp làm việc tại bếp ăn tập thể, các trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin