Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến khá phức tạp. Tại Thái Nguyên, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 390 ca mắc sốt xuất huyết, tăng trên 100 ca so với năm 2022; 470 ca bệnh tay chân miệng, tăng trên 260 ca; hơn 660 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng trên 500 ca... Từ thực tế này cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cần được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm giao mùa Đông - Xuân như hiện nay.
Trong thời điểm giao mùa, người cao tuổi cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên khám bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 3 tuần trở lại đây, số người mắc cúm A (H7N9) tại Thái Nguyên tăng đột biến. Nhiều trường hợp chuyển nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế. Chị Lê Thanh Hà, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Khi bị ho, sốt, nhức mỏi cơ thể, tôi đã đi khám tại bệnh viện thì được bác sĩ kết luận mắc cúm A. Dù không phải điều trị bằng thuốc nhưng các bác sĩ đã tư vấn cho tôi chế độ dinh dưỡng, cũng như nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả... nên chỉ sau 1 tuần tôi đã khỏi bệnh.
Ngoài cúm A, thời điểm giao mùa Đông - Xuân có thể xuất hiện nhiều dịch bệnh khác như cảm cúm, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, ho gà, viêm đường hô hấp... Bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời điểm giao mùa Đông - Xuân, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển, lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đáng lo ngại nhất là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm lớn, làm giảm sức đề kháng của con người. Những người có sức khỏe yếu, nhất là người già, trẻ em, hay các trường hợp không kịp thích nghi với thời tiết rất dễ nhiễm bệnh, ốm. Không chỉ vậy, hình thái thời tiết này cũng “làm khó” những người mắc các bệnh mãn tính, khi đây là khoảng thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyên truyền bằng cách cung cấp tài liệu truyền thông về phòng, chống dịch trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; treo panô, banner, khẩu hiệu về phòng, chống dịch bệnh... Từ đó, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân và cộng đồng, cũng như tăng cường sự tham gia của các cấp, ngành và xã hội trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân đạt hiệu quả, ngành Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phòng, chống cúm từ gia cầm lây sang người…
Đặc biệt là phối hợp với các cấp, ngành chức năng phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tổ chức tốt việc phân tuyến để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế thông tin: Chúng tôi đề nghị các huyện, thành phố có kế hoạch sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân lực để triển khai hoạt động chống dịch kịp thời.
Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, người dân cũng được khuyến cáo cần chăm sóc tốt sức khỏe, nâng cao sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh. Nhất là việc chủ động tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng… Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, người dân cần thông báo ngay với cơ sở y tế để được khám bệnh, xử trí kịp thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin