Tai nạn pháo nổ và nỗi đau dai dẳng

Tùng Lâm 08:34, 18/01/2024

Tai nạn pháo nổ là câu chuyện chưa bao giờ hết “nóng”. Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều vụ tai nạn pháo nổ thương tâm tại Thái Nguyên vẫn liên tiếp xảy ra vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Các trường hợp gặp tai nạn chủ yếu là học sinh đang ở độ tuổi từ 10 đến dưới 18 tuổi. Khi Tết Nguyên đán 2024 cận kề, tình trạng này lại tiếp tục xảy ra. Đáng buồn là sau tai nạn, nhiều trẻ đã phải chịu những thương tổn vĩnh viễn, mất khả năng lao động và ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện A Thái Nguyên, thăm khám cho trẻ bị tai nạn do pháo nổ.
Bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện A Thái Nguyên, thăm khám cho trẻ bị tai nạn do pháo nổ.

Đã 1 năm trôi qua, trên cơ thể của em T.M.Q, sinh năm 2007, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), vẫn chằng chịt những vết sẹo lớn nhỏ. Thời điểm này năm trước, Q. phải nằm điều trị cả tháng trời tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên do tai nạn pháo nổ. Không chỉ bị ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đến sự vận động của đôi bàn tay, thị lực của Q. cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Từ ngày bị tai nạn pháo nổ, câu bé này đã không còn sự hồn nhiên, vô tư như trước.

Q. chỉ là 1 trong hơn 20 trường hợp phải nhập viện, điều trị do tai nạn pháo nổ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên dịp giáp Tết Nguyên đán 2023. Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), nói: Một tháng trở lại đây, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận và điều trị cho những trường hợp tai nạn pháo nổ, trong đó hầu hết đều bị thương nặng, có trường hợp bị dập nát cả bàn tay.

Tương tự, tại Bệnh viện A Thái Nguyên, ngay từ cuối tháng 10, Khoa Ngoại chấn thương đã tiếp nhận bệnh nhân N.Q.H, 11 tuổi, ở TP. Sông Công, bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ; trẻ bị đa tổn thương vùng đầu, mặt, cổ, bàn chân…

Bác sĩ Lại Thành Đạt, Khoa Ngoại chấn thương, bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhân H., chia sẻ: Tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá gây các vết thương nghiêm trọng. Trẻ vị thành niên thường hiếu động, có thể làm theo hướng dẫn trên mạng, tự chế tạo làm pháo bằng diêm hoặc bằng một số chất dễ gây cháy nổ rất nguy hiểm. Khi pháo nổ sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, thường gặp ở các vị trí đầu, mặt, cổ, tay, chân… có thể gây phù nề, cản trở hô hấp, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp. Bỏng vùng mặt cổ có thể để lại di chứng về thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Đã có không ít trường hợp đáng tiếc bị tàn tật, thậm chí là tử vong do pháo.

Thực tế cho thấy, tai nạn pháo nổ đã mang lại nhiều hệ lụy dai dẳng. Hầu hết, những trường hợp gặp tai nạn pháo nổ đều để lại nhiều thương tật vĩnh viễn. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc kinh doanh pháo lậu trên thị trường khá tràn lan. Khi có nhu cầu, trẻ có thể đặt mua pháo, các hóa chất chế tạo pháo trên mạng một cách dễ dàng…

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã tích cực vào cuộc điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm. Theo đó, khoảng 1 tháng trở lại đây đã phát hiện gần 30 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ, thu giữ hơn 400kg pháo và hóa chất để chế tạo pháo; đã khởi tố 14 vụ, 17 bị can về các tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn tìm mọi cách đưa loại hàng cấm này ra thị trường. Do đó, cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, để ngăn chặn tình trạng sử dụng pháo, tự chế pháo ở trẻ, rất cần sự vào cuộc của gia đình và các nhà trường.

Bác sĩ Lại Thành Đạt cho rằng: Cách phòng ngừa tai nạn thương tích do pháo nổ cho trẻ hiệu quả nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho các em. Nhà trường, gia đình nên tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ…