Cô gái 9x phát triển thành công thương hiệu bánh chưng lá riềng

Minh Anh 16:20, 17/01/2024

Mới gần 30 tuổi, chị Nông Thị Quỳnh, sinh năm 1995, ở xóm Nà Khao, xã Trung Hội (Định Hóa) đã xây dựng thành công thương hiệu bánh chưng xanh lá riềng. Những chiếc bánh chưng mang hương vị truyền thống của chị thường xuyên được lựa chọn là đặc sản địa phương, tham gia quảng bá tại các hội chợ, triển lãm lớn.

Chị Nông Thị Quỳnh cùng sản phẩm bánh chưng xanh lá riềng của mình.
Chị Nông Thị Quỳnh cùng sản phẩm bánh chưng xanh lá riềng của mình.

Nhà chị Nông Thị Quỳnh nằm ở cuối một con đường quanh co dưới chân núi Nản, đây cũng là nơi những chiếc bánh chưng được làm tỉ mẩn trong từng công đoạn, để rồi phát triển thành đặc sản của vùng đất ATK Định Hóa. Khi chúng tôi đến thăm nhà, các thành viên trong gia đình chị Quỳnh đang cùng xắn tay làm một mẻ bánh mới.

Vừa xếp lại từng xấp lá dong, chị Quỳnh vừa thong thả kể: Ngay từ nhỏ, mình đã theo chân phụ giúp ông bà, cha mẹ gói bánh chưng truyền thống, bắt đầu từ những việc đơn giản như rửa lá, vo gạo, đậu xanh... đến những đêm thức khuya luộc bánh. Lớn lên, dù được đi nhiều nơi, thử qua đủ những món ăn khác nhau, nhưng hương vị bánh chưng của gia đình vẫn khó quên nhất đối với mình. Vài lần, khi mình tặng bánh chưng cho bạn bè, tất cả mọi người đều khen ngợi và hỏi về cách mua. Do vậy, mình luôn nung nấu suy nghĩ: Tại sao lại không phát triển thương hiệu sản phẩm bánh chưng của gia đình để mở rộng thị trường tiêu thụ?

Với suy nghĩ đó, năm 2021, chị Quỳnh quyết định nghỉ làm công nhân để bắt tay vào thực hiện ý tưởng phát triển thương hiệu bánh chưng truyền thống. Theo chị Quỳnh, nguyên liệu làm bánh chưng xanh là gạo Nếp cái hoa vàng và nếp Vải Định Hóa, đây là những loại gạo đặc sản ngon nhất trong vùng. Điều đặc biệt nhất trong những chiếc bánh chị Quỳnh làm ra là gạo nếp trước khi gói bánh được trộn với nước lá riềng để tạo màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng. Các nguyên liệu khác như lá dong, lạt giang, đỗ xanh, thịt ba chỉ... cũng được chọn những loại ngon nhất để sẵn sàng cho công đoạn gói bánh.

Bánh chưng truyền thống được gói chắc, đều tay mà không cần dùng khuôn. Chị Quỳnh chia sẻ: Phải gói chặt tay thì bánh thành phẩm mới vuông vắn, rền gạo, dẻo. Bánh gói xong được xếp vào nồi lớn, mỗi nồi khoảng 40 chiếc, đáy nồi lót cuống lá. Bánh xếp theo từng cặp, chèn cho chặt, đổ ngập nước mưa rồi luộc. Bánh được nấu bằng bếp củi và giữ lượng nhiệt ổn định trong 6-8 tiếng.

Những chiếc bánh chưng xanh do chị Quỳnh sản xuất có hương vị đặc biệt thơm ngon. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được sự dẻo, bùi của gạo, đỗ, béo ngậy của thịt. Nhờ vậy, sản phẩm được thị trường đón nhận và yêu thích. Để phát triển thương hiệu, đầu năm 2022, chị Quỳnh bắt đầu xây dựng kênh bán hàng trên các trang thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok. Dần dần, sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, lượng đơn hàng ngày càng tăng.

Hiện nay, sản phẩm bánh chưng xanh lá riềng của chị Quỳnh được bán tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh... Trung bình mỗi tháng chị bán được hơn 1.000 chiếc bánh, với giá 50-60 nghìn đồng/chiếc, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Thời điểm gần Tết, nhu cầu của khách hàng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, chị phải thuê thêm 10-20 lao động thời vụ. 

Với chị Quỳnh, bánh chưng không chỉ là một món ăn mà còn là câu chuyện về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mà chị muốn lan tỏa đến nhiều người hơn. Và với niềm đam mê kinh doanh cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, chị đã đạt được những thành công bước đầu nhờ phát triển thương hiệu cho sản phẩm truyền thống.

Chị Quỳnh cho biết, cuối năm 2023, chị đã gửi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm bánh chưng xanh lá riềng của mình. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng và thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp mắt, chị sẽ nỗ lực xây dựng sản phẩm bánh chưng đạt chứng nhận OCOP và hướng tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.