Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, câu chuyện con vắt đi vào cơ thể người nghe có vẻ lạ lẫm nhưng vẫn hiện hữu trong cuộc sống của người dân miền núi, vùng cao ở Thái Nguyên. Tình trạng này chỉ được phát hiện sau một thời gian hút máu trong cơ thể người, con vắt lớn nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp như khó thở, chảy máu mũi...
Nếu không cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, việc tắm ở các khe suối cũng có thể bị con vắt chui vào cơ thể người. |
Gần đây nhất (trung tuần tháng 4 vừa qua), các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai đã gắp ra một con vắt dài khoảng 4cm sống nhiều ngày trong mũi bệnh nhi 8 tuổi. Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngứa mũi, buồn mũi, thường xuyên chảy máu cam, hắt xì hơi.
Kết quả hình ảnh nội soi cho thấy, một dị vật màu nâu đen được xác định là con vắt rừng, to và dài bám chặt ở vị trí vách ngăn sát đầu cuốn giữa mũi trái của bệnh nhi. Gia đình cho biết cháu bé từng uống nước ở khe suối trong rừng. Đây được xác định là “đường đi” vào cơ thể bệnh nhi của con vắt.
Tình trạng con vắt đi vào cơ thể người không phải là hiếm gặp ở Thái Nguyên. Cách đây hơn 2 năm, các bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện A Thái Nguyên, cũng đã thực hiện ca nội soi và gắp thành công con vắt sống, dài khoảng 3cm trong mũi của nữ bệnh nhân 28 tuổi, sinh sống tại huyện Võ Nhai. Đến khám trong tình trạng thường xuyên chảy máu cam từ mũi trái, số lượng ít và tự cầm máu; không có ngạt mũi, không chảy nước mũi, bệnh nhân được xác định vắt đi vào cơ thể do cách đó 1 tháng đi rừng chặt củi đã rửa mặt ở khe suối.
Ông Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: Khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện đã nhiều lần thực hiện gắp thành công con vắt cho các bệnh nhân trong tỉnh. Thực tế này cho thấy, một số người dân miền núi, vùng cao vẫn chưa thật sự cẩn trọng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Tình trạng con vắt chui vào và ký sinh trong cơ thể không phải hiếm gặp ở Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh miền núi, vùng cao của các nước nói chung. Vắt rừng hay còn gọi là con tặc thường sống ở các khe suối. Lúc còn nhỏ, kích thước của chúng chỉ khoảng vài milimet (bằng que tăm). Khi người hoặc các loài động vật xuống suối tắm hoặc uống nước, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản và sống ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp.
Vắt sống ở đất rất đói máu. Chúng thường ẩn núp trong các hốc đá, dưới lá cây, dòng suối... Khi người hoặc các loại động vật đi qua, vắt búng nhảy và bám vào để hút máu. Vết hút máu trên da thường không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi chúng chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa...
Đi vào cơ thể người, con vắt thường nằm ở hốc mũi, tai và di chuyển, khu trú ở các khu vực này để hút máu rồi lớn dần. Thời điểm vắt mới chui vào cơ thể, hầu hết mọi người đều không biết, chỉ sau khoảng 10-15 ngày mới thấy ngứa cổ, buồn nôn, buổi tối còn cảm giác có con gì bò ra từ cuống họng, mũi…
Khi đi làm ở nương, rẫy hoặc di chuyển trong rừng, nhiều người dân ở miền núi, vùng cao của tỉnh thường có thói quen uống nước khe, suối khi khát nước nên dễ nuốt phải con vắt. Những người đi rừng không bảo hộ kỹ lưỡng cũng có thể bị vắt chui vào cơ thể.
Bác sĩ CKII Đỗ Trung Toàn, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện A Thái Nguyên, khuyến cáo: Mọi người ở vùng núi rừng ẩm ướt nơi có nhiều vắt cần cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày, khi đi rừng không nên uống nước khe, suối. Khi gặp tình trạng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài, tức ngực, khó thở… nên soi tai, mũi, họng hoặc phế quản để loại trừ tình trạng đỉa, vắt chui vào ký sinh trong cơ thể…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin