3 công cụ chiến lược để chấm dứt HIV/AIDS tại Việt Nam

Theo Tiengchuong.vn 13:46, 21/11/2022

Ông Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có 3 công cụ để chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, trong đó có công cụ tăng cường tiếp cận với các đối tượng đích.

Ông Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi
Ông Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi

Theo ông Eric Dziuban, công cụ trên rất quan trọng, bởi quần thể nam quan hệ tình dục đồng giới đang ghi nhận sự gia tăng về tình trạng nhiễm HIV/AIDS. Trên thực tế hiện Việt Nam có các công cụ để tăng cường tiếp cận với quần thể này, từ đó có thể tăng cường phòng, chống HIV/AIDS nhóm đối tượng đích này.

Công cụ tiếp theo là các tín hiệu về dữ liệu có thể giúp xác định lây truyền HIV/AIDS đang xảy ra nhanh chóng ở khu vực "nóng".

Công cụ thứ ba, theo đó chính là Việt Nam có các thuốc điều trị mang lại hiệu quả kéo dài.
Đánh giá về công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam thời gian qua, ông Eric Dziuban khẳng định, Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ. Bộ Y tế đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đặc biệt, Việt Nam đã có rất nhiều chương trình liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và đạt được nhiều thành công từ các chương trình này.

Một trong số đó là thực hiện dự phòng trước phơi nhiễm, tức là những người chưa bị HIV/AIDS nhưng có nguy cơ, sử dụng các thuốc dự phòng để không bị lây nhiễm.

Thành công thứ 2 là những người đã nhiễm HIV/AIDS được điều trị rất tốt. Có thể thấy rằng khi được điều trị tốt, tải lượng virus của bệnh nhân được khống chế và sẽ không truyền nhiễm cho người khác.

Thành công tiếp theo của Việt Nam là trong 2 năm COVID-19, hoạt động phòng chống HIV/AIDS không bị đẩy lùi mà vẫn phát triển. Một điểm rất tốt là Việt Nam đã cho phép bệnh nhân được nhận thuốc trong nhiều tháng. Việc này đặc biệt hữu ích vì bảo đảm được việc điều trị liên tục cho bệnh nhân, trong bối cảnh đại dịch có nhiều trường hợp bị phong tỏa, cách ly.

Một điều nữa, theo ông Eric Dziuban, Việt Nam có chiến lược quốc gia trong điều trị HIV/AIDS. Mỗi năm Việt Nam lại đặt ra các con số mục tiêu cần đạt được. "Ví dụ về mục tiêu kiểm soát tải lượng virus. Mỗi năm con số này lại vượt qua mục tiêu đặt ra. Năm nay, chỉ tiêu này đạt đến 97%. Đây là một con số rất ấn tượng và tự hào", ông Eric Dziuban nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính Việt Nam phát hiện khoảng 242.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng. Riêng từ đầu năm 2022, khoảng 9.000 ca mới được phát hiện, 1.378 trường hợp tử vong. Dự báo từ nay đến cuối năm thêm khoảng 3.000 người được phát hiện nhiễm HIV.

Mục tiêu quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 được định nghĩa là số ca nhiễm HIV mới được phát hiện dưới 1.000 người/năm và tỉ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 0,1/100.00 dân. Hướng tới HIV/AIDS không còn là mối lo ngại về sức khỏe của cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, cục sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV; 95% người biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.