Thái Nguyên: Lây nhiễm mới HIV có xu hướng giảm

Theo Tiengchuong.vn 14:51, 18/11/2022

Với nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tình hình dịch HIV trên địa bản tỉnh Thái Nguyên đang có xu hướng giảm.

Tu vấn điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thùy Chi
Tu vấn điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, số ca nhiễm mới trên địa bàn giảm từ 542 ca năm 2012 xuống còn 182 ca năm 2021. Số ca tử vong do AIDS cũng giảm từ 308 ca năm 2012 xuống còn 83 ca năm 2021. Hiện, toàn tỉnh có 2/8 cơ sở điều trị HIV/AIDS cấp thuốc ARV từ nguồn BHYT cho trên 1.000 bệnh nhân.

Hơn 4.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 9/2022, lũy tích số người nhiễm HIV là HIV 9.299 người. Số người nhiễm HIV đã tử vong 4.548 người. Số người nhiễm HIV còn sống là 4.751 người.

Riêng từ tháng 1 đến hết tháng 8/2022, địa phương phát hiện 119 trường hợp nhiễm mới HIV. Bao gồm 90 trường hợp nội tỉnh, 29 trường hợp ngoại tỉnh, các trường hợp này đều đã được kết nối chuyển gửi thành công đến các OPC trong tỉnh điều trị ARV.

Hiện tại Thái Nguyên có 12 phòng khám ngoại trú; số bệnh nhân đang điều trị là 4.047 bệnh nhân, trong đó có 76 trẻ em. 127 bệnh nhân mới được đưa vào điều trị. 95.2% bệnh nhân được điều trị lao tiềm ẩn và 96,5% trong số đó hoàn thành quá trình điều trị. Có 1.500 bệnh nhân được điều trị viêm gan C trong đó 1.111 đã hoàn thành điều trị.

Về công tác điều trị ARV tại trại giam Phú Sơn: Số bệnh nhân đang điều trị ARV là 239, tỉ lệ bao phủ tải lượng virus đạt: 53,91%; Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả tải lượng virus dưới ngưỡng 99,01%

Đối với chương trình điều trị dự phòng, duy trì các hoạt động tư vấn, điều trị cho khách hàng với số bệnh nhân hiện đang điều trị PrEP là 331 bệnh nhân (TTYT TP. Thái Nguyên 24 bệnh nhân, Bệnh viện An Phú 275 bệnh nhân, TTYT TX Phổ Yên 32 bệnh nhân).

Về chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tính đến 11/9/2022 tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị Methadone là 2.471 bệnh nhân.

Gần 97% người nhiễm HIV điều trị ARV có thẻ BHYT

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết, công tác phòng chống HIV/AIDS luôn được ngành y tế tỉnh quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tìm ca nhiễm HIV tại các cơ sở y tế cũng như trong cộng đồng, thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng để giới thiệu chuyển tiếp đến cơ sở điều trị. Cùng với đó là tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ cao. Đồng thời, cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị, điều trị nhanh và điều trị trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng; triển khai cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT…

Đặc biệt, trong thực hiện mục tiêu 90-90-95, Thái Nguyên cũng đã gần "cán đích". Cụ thể, với mục tiêu 1 (90% người nhiễm biết tình trạng của mình), đến nay, Thái Nguyên đã đạt gần 86,5%. Ở mục tiêu 2,90% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV, hiện tại, Thái Nguyên đã đạt trên 85%.

Đối với mục tiêu 3,95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền, Thái Nguyên đang đạt 99%, vượt so với mục tiêu của Bộ Y tế đề ra cho cả nước vào năm 2025.

Điều này đã góp phần làm giảm số ca mắc mới trong cộng đồng tại Thái Nguyên trong những năm gần đây, khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,36%.

Ngoài ra, đến nay, gần 97% người nhiễm HIV điều trị ARV có thẻ BHYT; gần 83% bệnh nhân tham gia điều trị ARV được cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn quỹ BHYT...

Ngăn chặn lây nhiễm trong nhóm thanh thiếu niên

Sau hơn 2 thập kỷ, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Dù vậy, tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, một trong những khó khăn đó là hiện lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa với hơn 80% người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi từ 25 đến 49. Đáng nói, thời gian qua có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm, trong đó lây nhiễm qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt và tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế. Như vậy, dịch bệnh đang xâm nhập và gây ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ.

Để giải quyết khó khăn trên, trong thời gian tới ngành y tế Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, tránh lây nhiễm HIV, đặc biệt trong giới thanh thiếu niên; lồng ghép các mô hình phòng chống HIV với phòng chống Covid-19 hiệu quả cho các hoạt động công đoàn, đoàn thanh niên.

Tăng cường công tác giám sát hỗ trợ kỹ thuật các chương trình: Tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm, chuyển gửi, điều trị dự phòng PrEP, dự phòng lây truyền mẹ con, Lao/HIV, sử dụng các phần mềm quản lý, quản lý thuốc ARV, Methadone ; vận động người nhiễm HIV điều trị bền vững.

Tiếp tục hoạt động tối ưu hoá việc thu thập và tổng hợp dữ liệu HIV, Hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến tỉnh và cơ sở điều trị sử dụng OPC ASSIST…; Tiếp tục hoạt động Giám sát ca bệnh: Khai thác đầy đủ thông tin người nhiễm mới và cập nhật kịp thời vào hệ thống quản lý (HIVINFO 4.0).

Tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu ước tính quần thể nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM ) tại tỉnh Thái Nguyên do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh chương trình điều trị dự phòng HIV bằng PrEP cho nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV…nhằm hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-95 và kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.