Trường hợp cha mẹ sinh con ra nhiễm HIV, sau đó có hành động bỏ rơi trẻ thì có vi phạm pháp luật hay không?
Theo quy định pháp luật hiện nay thì HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Các hành vi có liên quan đến vấn đề HIV mà có tác động tiêu cực đến đời sống, xã hội, nhận thức, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo đó, theo quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, pháp luật nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi sau đây:
- Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.
- Đe dọa truyền HIV cho người khác.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
- Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.
- Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
- Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.
- Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
- Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.
- Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.
- Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.
- Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định được trích dẫn và các phân tích trên đây thì có thể xác định được pháp luật nước ta nghiêm cấm cha, mẹ thực hiện hành vi bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV. Mọi hành vi bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV đều bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV sẽ bị xem xét xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 21 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Với mức phạt cụ thể như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cha, mẹ có hành vi bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV.
Ngoài ra, còn buộc phải tiếp nhận lại con chưa thành niên nhiễm HIV theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 21 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Các biện pháp cần thực hiện trong gia đình có trẻ nhiễm HIV/AIDS
Trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu thông qua con đường từ mẹ sang con, một phần nhỏ là qua con đường tiên chích do nghiện ma tuý hoặc qua con đường tình dục. Khi trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS thì cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV.
Cụ thể, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình của trẻ em nhiễm HIV có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên tinh thần giúp các em sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; phối hợp với các cơ quan tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình của trẻ em nhiễm HIV có thể khuyến khích và tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng tuỳ theo lứa tuổi và hoàn cảnh thích hợp, như: tham gia vào các Nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ và các hình thức tổ chức sinh hoạt khác của người nhiễm HIV theo qui định của pháp luật; tham gia tuyên truyền và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV hoặc các hoạt động khác về phòng/chống HIV/AIDS…
Mặt khác, gia đình cũng cần có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho các thành viên trong gia đình về phòng chống HIV/AIDS, chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV/AIDS, chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV. Khuyến khích các thành viên trong gia đình tự nguyện xét nghiệm HIV đối với người trước khi kết hôn, dự định có con, phụ nữ mang thai…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin