Xin cho hỏi, việc chống đối đe doạ làm lây nhiễm HIV cho người thi hành công vụ sẽ bị xử lý như thế nào?
Chống đối người thi hành công vụ bằng cách đe doạ lây nhiễm HIV từ bản thân cho người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ảnh minh họa |
Trả lời:
Căn cứ quy định Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:
Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, chống đối người thi hành công vụ bằng cách đe doạ lây nhiễm HIV từ bản thân cho người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Xử lý việc cố ý làm lây nhiễm HIV từ bản thân cho người thi hành công vụ
Căn cứ quy định khoản 2 Điều 149 Bộ luật Hình sự 2015 bị thay thế bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cố ý truyền HIV cho người khác như sau:
Tội cố ý truyền HIV cho người khác
1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với người dưới 18 tuổi;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Lợi dụng nghề nghiệp;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Như vậy, người nào cố ý truyền HIV cho người khác đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội cố ý truyền HIV cho người thi hành công vụ
Căn cứ quy định Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về phân loại tội phạm như sau:
Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Căn cứ quy định khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, Hành vi cố tình truyền HIV cho người thi hành công vụ với mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm là khung hình phạt cho loại tội phạm rất nghiêm trọng. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cho loại tội phạm rất nghiêm trọng là 15 năm. Do đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội cố ý truyền HIV cho người thi hành công vụ là 15 năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin