Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc

Vân Khánh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) 14:33, 26/05/2023

Ban quản lý Tiểu dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (Tiểu dự án EPIC) tỉnh Thái Nguyên vừa phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Hội thảo tăng cường phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có trên 100 đại biểu đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Sở Y tế và LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, LĐLĐ các huyện, thành phố; các bệnh viện, trung tâm y tế và đại diện một số doanh nghiệp, khu công nghiệp, chủ nhà trọ, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo đưa ra các nội dung: Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam; kiến thức về HIV/AIDS và đáp ứng của Việt Nam với HIV/AIDS; sự cần thiết tăng cường phòng, chống AIDS trong khu công nghiệp...

Riêng tại Thái Nguyên, tính đến ngày 30/4/2023, số người nhiễm HIV còn sống là 4.498 người. Toàn tỉnh có 11 cơ sở điều trị HIV/AIDS, số người đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) là 4.014 trường hợp (trong đó có 66 trẻ em). Thái Nguyên là 1 trong 11 tỉnh được lựa chọn trọng điểm thực hiện mục tiêu 90x90x90 (năm 2018), nay là 95x95x95 (tức là 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện); phấn đấu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030...

Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở nhóm thanh niên trẻ, bao gồm công nhân lao động và học sinh, sinh viên.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng cần nhiều hơn nữa các lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tại các khu công nghiệp và đa dạng hơn những sản phẩm truyền thông về lĩnh vực này đến người lao động.