Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.500 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có trên 4.000 người đang điều trị ARV. Điều đáng nói là đến nay, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) lên đến 98,4%, tăng 2% so với đầu năm 2023. Đây là một tín hiệu đáng mừng, giúp người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV kịp thời khi các nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm. Từ đó giúp người nhiễm HIV có sức khỏe tốt để ổn định cuộc sống...
Người điều trị ARV mang theo thẻ BHYT khi đến khám, lấy thuốc định kỳ tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên. |
Thực tế cho thấy, điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV, giúp giảm lây truyền HIV, do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp.
Khoa học đã chứng minh khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, tức dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% số trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV.
Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội. Trước đây, người nhiễm HIV ở Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung thường không quan tâm đến thẻ BHYT vì họ được điều trị miễn phí. Từ khi nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm thì BHYT chính là “cứu cánh” giúp những người nhiễm HIV được tiếp cận với ARV.
Thái Nguyên hiện có 11 cơ sở điều ARV, trong đó Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên đang điều trị ARV cho số người nhiễm HIV khá lớn (trên 660 người).
Bác sĩ Lưu Văn Thuyên, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên), cho hay: Người nhiễm HIV có nguy cơ ốm đau nhiều hơn những người khác. Trong khi đó, điều trị bằng thuốc ARV đòi hỏi phải sử dụng suốt đời, chi phí tốn kém. Bởi vậy, chúng tôi rất phấn khởi khi hầu hết bệnh nhân điều trị ARV tại Trung tâm đều có thẻ BHYT.
Ngoài Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, các cơ sở điều trị còn lại cũng có lượng lớn người điều trị ARV đã tham gia BHYT. Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Theo quy đinh hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, dân tộc thiểu số… được cơ quan BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã về hưu là 95%, cho các đối tượng khác là 80%... Như vậy, khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả 20% tiền chữa bệnh và được hưởng nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế, như: Khám bệnh, làm xét nghiệm phục vụ quá trình điều trị, được cung cấp ARV định kỳ theo chỉ định chuyên môn và theo tình trạng sức khỏe, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… Từ đó giúp người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị ARV khi không còn các nguồn tại trợ quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với những người nhiễm HIV/AIDS, 3 năm trở lại đây, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người bệnh.
Chị N.T.H ở phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên), cho biết: Nhờ được tuyên truyền, tôi đã hiểu, BHYT rất có ý nghĩa đối với người nhiễm HIV. Mặc dù các chương trình, dự án hỗ trợ người nhiễm HIV được dùng ARV đã kết thúc nhưng nhờ tham gia BHYT, tôi vẫn được sử dụng thuốc thường xuyên nên sức khỏe luôn ổn định. Từ những lợi ích mà bản thân có được khi tham gia BHYT, tôi cũng đã tuyên truyền để nhiều người nhiễm HIV tham gia BHYT.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, Thái Nguyên còn có những chính sách hỗ trợ người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT. Nhất là việc vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ sở y tế… tặng BHYT cho người dân vùng khó, người nhiễm HIV được duy trì hằng năm. Nhờ đó, số người điều trị ARV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh tăng theo các năm (năm 2020 đạt khoảng 94% thì nay đã đạt 98,4%).
Thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV điều trị ARV tham gia BHYT, thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nhiễm HIV về BHYT. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống HIV, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin