Để kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV chỉ còn là quá khứ

Theo Tiengchuong.vn 14:14, 25/06/2024

Anh Nguyễn Anh Phong, Ban điều hành Mạng lưới người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP+) cho biết, sau hơn 30 năm HIV xuất hiện tại Việt Nam, đến nay vẫn còn tình trạng phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV. Cần có những giải pháp để kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV chỉ còn là quá khứ.

Anh Nguyễn Anh Phong, Ban điều hành Mạng lưới người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP+).Ảnh: VGP/Thùy Chi
Anh Nguyễn Anh Phong, Ban điều hành Mạng lưới người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP+).Ảnh: VGP/Thùy Chi

Kỳ thị, phân biệt đối xử do thiếu kiến thức và định kiến trong xã hội

Anh Nguyễn Anh Phong cho biết, hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều trẻ em bị ảnh hưởng cuộc sống do HIV, vẫn còn những người nhiễm HIV bị bỏ rơi ở trong bệnh viện, từ những người trong gia đình, thậm chí có những trường hợp bị cho thôi việc trong công ty…

Sự kỳ thị đó khiến cho cộng đồng người sống với HIV tự thu mình lại, có những trường hợp tự kỳ thị, dẫn đến những hệ lụy không lường trước được. Việc kỳ thị và tự kỳ thị như là mũi tên 2 chiều, khi kỳ thị của người dân với người nhiễm HIV tăng cao thì việc tự kỳ thị của người trong cộng đồng sống với HIV cũng tăng cao, làm rào cản cho kỳ thị, phân biệt đối xử ở Việt Nam càng ngày càng phức tạp hơn.

Là người kêu gọi giảm kỳ thị phân biệt đối xử, anh Nguyễn Anh Phong cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ thiếu kiến thức và định kiến trong xã hội. Do thiếu kiến thức, sự hiểu biết của người dân về HIV vẫn còn hạn chế nên đâu đó trong cộng đồng vẫn xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, trong khi thực tế các biện pháp dự phòng, phương pháp can thiệp, điều trị đã tiến bộ hơn trước. HIV dễ phòng, khó lây.

Anh Phong chia sẻ, nhờ thuốc điều trị kiểm soát HIV (ARV) giúp người sống HIV không lây truyền qua đường quan hệ tình dục khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Cũng nhờ điều trị dự phòng, bố mẹ nhiễm HIV khi sinh con không bị nhiễm. HIV ngoài dự phòng bằng bao cao su thì nay có thêm thuốc dự phòng trước và sau phơi nhiễm… Vì vậy, theo anh Phong nếu mọi người có kiến thức, biết được cách phòng tránh thì nỗi sợ giảm dần, khi hết sợ, rào cản kỳ thị sẽ giảm.

Bên cạnh việc thiếu hiểu biết, thì định kiến về người nhiễm HIV cũng khiến gia tăng tình trạng phân biệt đối xử trong cộng đồng. Trong cộng đồng vẫn có những người nghĩ rằng những người nhiễm HIV là do hư hỏng, do tham gia các loại hình tệ nạn xã hội. Nhưng thực tế, đường lây truyền của HIV giờ chủ yếu qua quan hệ tình dục, chỉ cần sơ sẩy quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV thì sẽ nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, anh Phong cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu biết về HIV, đặc biệt nhóm nguy cơ cao như lây nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng tính, quan hệ với bạn tình nhiễm HIV mà không có biện pháp dự phòng, hạn chế lây nhiễm HIV.

Hơn 15 năm gắn bó, đồng hành với những người nhiễm HIV

Anh Nguyễn Anh Phong cho hay, hiện Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+) đã mở rộng hơn với 72 nhóm thành viên tại các tỉnh, thành phố. Để hỗ trợ ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong cộng đồng, anh Phong mong ước, Ban điều hành VNP+ sẽ có thêm những người trẻ tham gia, lập thành một nhóm trẻ để thích ứng với việc hỗ trợ cho những người trẻ có nguy cơ nhiễm HIV tăng cao thời gian gần đây.

Anh Phong cho biết, hiện nay kiến thức của cộng đồng trẻ còn rất ít, cả về kiến thức phòng bệnh và điều trị, nên việc bỏ thuốc trong cộng đồng người trẻ có diễn biến nhiều hơn. "Điều này khiến chúng tôi suy nghĩ cần phải làm gì cho cộng đồng người trẻ. Chúng tôi đang huy động nhiều bạn trẻ tham gia mạng lưới, nâng cao năng lực truyền thông cho nhóm, để truyền thông thay đổi hành vi, tuân thủ điều trị của cộng đồng người trẻ", anh Phong tâm sự.

Khi số ca nhiễm tăng nhanh trong giới trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới thì việc truyền thông kiến thức HIV cũng cần phải thay đổi phù hợp với xu hướng của nhóm trẻ để việc tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn cũng như việc tiếp cận các dịch vụ điều trị và dự phòng liên quan đến HIV thuận lợi, dễ dàng và an toàn.

Tâm sự về một hoàn cảnh khiến anh Phong phải trăn trở thời gian gần đây, anh Phong cho biết, vào cuối tháng 5/2024, anh Phong nhận được lời kêu cứu từ Nhật Bản của một bạn nam nhiễm HIV. "Anh Phong, em sốt đến mơ sảng thấy mình về Việt Nam bên gia đình bằng trực thăng. Có cách nào cho em về quê mình được không anh?". Anh Phong cho biết, lời cầu cứu của bạn trẻ khiến anh day dứt không nguôi.

Người bạn trẻ sang Nhật từ năm 2019 nhưng khi hết visa đã trốn ở lại làm việc. Không giấy tờ, mang căn bệnh suốt 5 năm không điều trị, giờ đây, người bạn này suy kiệt sức khỏe, sốt liên tục, nấm thực quản, nghi ngờ viêm phổi PCP. Không giấy tờ, không đủ kinh tế để mua thuốc, và khao khát được một ngày trở về.

Anh Phong cho biết, do biết tình trạng bệnh nhưng không điều trị, nên người bạn trẻ kia đã bị nhiễm trùng cơ hội. Anh Phong đã cố gắng tìm cách gửi thuốc sang cho người bạn trẻ này. Vì ở lại bất hợp pháp nên sẽ rất khó khăn để được điều trị nên hiện anh đang tìm giải pháp để đưa được người bạn trẻ kia về Việt Nam.

Là một người vì cộng đồng, gắn bó với công tác phòng, chống HIV trong cộng đồng hơn 15 năm qua. Anh Phong đã từng làm rất nhiều hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS. Năm 2008, anh Phong bắt đầu tham gia nhóm "Tình bạn" tự lực xây dựng, hỗ trợ những người nhiễm HIV/AIDS và nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Đến năm 2010, anh Phong thuộc ban điều hành nhóm và đã nghĩ ra nhiều mô hình, sáng kiến hay, phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM để có những kỹ năng tư vấn hỗ trợ bài bản, chuyên nghiệp.

Từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu hình thành Mạng lưới những người sống chung với HIV. Khi đó có 7 vùng thì anh Phong trong ban điều hành thuộc khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt ở TPHCM. Cho đến hiện tại, hoạt động này đã trở thành công việc chính thức của anh Phong.
Chung tay tháo dỡ "hàng rào kỳ thị để cuộc sống tốt đẹp hơn

Một hoạt động cũng rất ý nghĩa trong suốt quá trình theo đuổi công tác phòng, chống HIV/AIDS của anh Phong, đó là chương trình "Góp một bàn tay". Anh Phong cho biết, 7 năm qua, thông qua chương trình "Góp một bàn tay", anh Phong và các cộng sự đã làm được rất nhiều cho cộng đồng của người nhiễm HIV. Chương trình ra đời năm 2017, do anh và bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ khởi xướng với mục tiêu giúp đỡ cho nhóm các bạn nhiễm HIV. Số vốn ban đầu rất ít, chừng 500 triệu được tăng dần lên mỗi năm và đến 2023, con số này là 3 tỉ đồng.

Những giá trị của Góp một bàn tay mang lại rất lớn. Theo cách của anh Phong nói, thì 3 giá trị chương trình mang lại được gồm: mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV không có khả năng chi trả mua thẻ. "972 nghìn đồng, chúng ta có thể ăn một bữa, nhưng cho một người HIV thở khỏe mạnh 1 năm sống rất có giá trị", anh Phong nói.

Giá trị thứ hai, chính là nhóm sẽ chi trả chi phí điều trị khẩn cấp ban đầu cho người bệnh nhập viện. Nhờ vậy, không ít trường hợp cấp cứu được hỗ trợ tạm ứng viện phí ban đầu để kịp thời vượt qua giai đoạn nguy kịch.

Ba là, chương trình cũng hỗ trợ mua thuốc dự phòng sau phơi nhiễm cho rất nhiều đối tượng như sinh viên ngành y bị "tai nạn nghề nghiệp", các trường hợp gái mại dâm, hoặc những người không may bị dẫm phải kim tiêm ngoài đường ngay lập tức, không cần chờ các thủ tục về mặt giấy tờ.

Ngoài ra, chương trình Góp một bàn tay cũng đã có một hoạt động rất nhân văn, đó là liên kết với các cơ sở mai táng để hỗ trợ trường hợp khó khăn, vô gia cư được an nghỉ một cách chu toàn nhất.

"Chúng tôi mong muốn tạo thành chuỗi hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người dân nghèo, những người yếu thế từ hỗ trợ điều trị dự phòng PrEP, điều trị ARV, chăm sóc an sinh đến cuối đời. Điều tôi hạnh phúc là nguồn quỹ đã được chính các trường hợp nhận hỗ trợ từ quỹ đã quay lại đóng góp cho những hoàn cảnh khó khăn như họ đã từng", anh Phong chia sẻ.

Trong năm 2023, chương trình đã hỗ trợ gần 800 thẻ bảo hiểm y tế trong đó 732 thẻ hỗ trợ trực tiếp; hỗ trợ 50 trường hợp nộp viện phí khẩn cấp; cung cấp 600 lọ thuốc ARV; hỗ trợ 28 nhà trọ; tổ chức an táng cho 12 trường hợp; hỗ trợ 80 trường hợp khác về học phí, thực phẩm... Chương trình đã tiếp sức cho 500 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV tiếp bước đến trường; 1.500 quà cho hoạt động Hạt gạo chia đôi.

Đồng hành với Nguyễn Anh Phong, có nhiều mạnh thường quân và những KOL's có ảnh hưởng, với nhiều chương trình định kỳ như Tiếp bước đến trường, Ngày sống trọn vẹn, Vì hiểu mà đến, Hạt Gạo Chia Đôi... để vừa chia sẻ kiến thức, vừa truyền lửa cho cộng đồng người sống với HIV, với mong mỏi sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong suy nghĩ của người dân, sự tự kỳ thị trong chính cộng đồng người sống với HIV sẽ giảm đi.

"Góp một bàn tay là chương trình mà chúng tôi - những người sống với HIV mong muốn không chỉ nhận được sự hỗ trợ về tài chính, sự đóng góp bảo hiểm y tế, sự tham gia về nhân sự mà giá trị lớn hơn đó là mang đến sự thay đổi về nhận thức về HIV, góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV và các nhóm ảnh hưởng chính", anh Phong tâm sự.

Luôn nỗ lực cống hiến hết mình cho công việc và cho cộng đồng. Mục đích của anh anh Phong hướng tới thông qua những việc làm ý nghĩa suốt hơn 15 năm qua là mong muốn tạo niềm tin cho những người nhiễm HIV/AIDS để chính họ tự vực tinh thần mình dậy, thay đổi suy nghĩ để sống tốt, sống lạc quan như những người bình thường khác.

Anh Phong mong muốn rằng, anh sẽ là người góp một bàn tay, chung tay tháo dỡ "hàng rào" kỳ thị để cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn. Mặc dù anh Phong biết rằng, việc vượt qua được rào cản này là điều rất khó. Bản thân anh vẫn luôn nỗ lực, hoạt động hết mình vì cộng đồng, mong mọi người hãy lan tỏa sự cảm thông với những người đang sống với HIV/AIDS, hãy hành động để tiếp sức, để thêm một bàn tay nhỏ giúp những người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên sống có ích cho xã hội.