Trong suốt 21 năm qua, hoạt động và chuyển giao kỹ thuật của dự án HIV thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN/BIDMC) đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc phát triển các chương trình chăm sóc và điều trị HIV tại Việt Nam.
Thăm khám điều trị HIV cho bệnh nhân - Ảnh: VGP/Thùy Chi |
Hơn 170.000 bệnh nhân được chăm sóc, điều trị
Từ năm 2003, HAIVN/BIMDC bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Bộ Y tế để triển khai các mô hình điều trị HIV dựa trên chứng cứ khoa học, giúp tối ưu hoá việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Năm 2008, HAIVN/BIMDC đã biên soạn và triển khai bộ tài liệu đào tạo chuyên sâu về điều trị ARV, cung cấp cho nhân viên y tế những kiến thức và kỹ năng cần thiết để chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV.
Năm 2014, HAIVN/BIMDC đã tiên phong trong việc xây dựng và triển khai hệ thống hỗ trợ chuyên môn và đào tạo trực tuyến (Telehealth), giúp cải thiện chất lượng đào tạo và hỗ trợ lâm sàng cho hàng ngàn nhân viên y tế trên toàn quốc.
Năm 2021, HAIVN/BIMDC hỗ trợ Bộ Y tế triển khai ứng dụng di động "Hướng dẫn về Chăm sóc, điều trị và dự phòng HIV/AIDS" góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế trong việc thực hành lâm sàng.
Đến nay, HAIVN/BIMDC đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 10.000 nhân viên y tế từ các tỉnh thành do PEPFAR tài trợ cho đến các khu vực khác thuộc dự án Quỹ toàn cầu và Chương trình Quốc gia, mở rộng dịch vụ điều trị HIV từ con số hơn 1.000 bệnh nhân vào năm 2004 lên hơn 170.000 bệnh nhân trong năm 2023.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, HAIVN/BIMDC đã không ngừng nỗ lực, từ việc hỗ trợ kỹ thuật đến triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu lâm sàng. Chính sự nhiệt huyết và chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên HAIVN/BIDMC đã làm nên thành công trong việc cung cấp dịch vụ HIV cho hàng nghìn người tại Việt Nam.
Trong 21 năm hoạt động tại Việt Nam, với thế mạnh là đơn vị hợp tác với 1 Trường đại học Y khoa hàng đầu thế giới, HAIVN/BIDMC đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam trong việc phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV và các bệnh liên quan (như viêm gan, STI...), vận động chính sách, đào tạo và tập huấn lâm sàng cho hơn 10.000 nhân viên y tế về chăm sóc HIV.
Đồng thời, tham gia vào hoạt động xây dựng tài liệu đào tạo HIV/AIDS cho sinh viên các trường Y khoa trong cả nước. Thực hiện nhiều nghiên cứu tác nghiệp và cải thiện chất lượng chương trình...
Bảo đảm tất cả bệnh nhân nhiễm HIV được tiếp cận điều trị chất lượng cao
Cục trưởng Phan Thị Thu Hương cho biết, mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Chúng ta vẫn cần tiếp tục nỗ lực phát triển các mô hình chăm sóc y tế mới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, và cải thiện chất lượng dịch vụ HIV để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh, với tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm, HAIVN/BIMDC sẽ tiếp tục là ngọn đuốc tiên phong trong việc cải thiện dịch vụ HIV tại Việt Nam, mang lại hy vọng và tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Ông Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tại Việt Nam cho biết, nếu như 21 năm trước chúng ta đã cùng nhau hợp tác để bảo đảm rằng tất cả những người nhiễm HIV đều có thể tiếp cận được các dịch vụ điều trị chất lượng cao thì hiện nay, chúng tôi hỗ trợ những người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh và lâu dài bằng cách giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm và kỳ thị.
Những thành tựu của HAIVN/BIDMC không chỉ dừng lại về mặt kỹ thuật. Về cốt lõi, quan hệ đối tác này luôn tập trung vào việc xây dựng mối liên hệ với cộng đồng và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, củng cố lòng tin giữa khách hàng và nhà cung cấp, đồng thời thiết lập một tiêu chuẩn mạnh mẽ cho các dịch vụ lấy người bệnh làm trung tâm
Gần đây hơn, HAIVN/BIDMC đã thúc đẩy đổi mới y sinh, bao gồm K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), trạng thái trung lập HIV và tính khả thi của thuốc tiêm tác dụng kéo dài (PrEP). Những nỗ lực có tư duy tiến bộ này bảo đảm rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam luôn đáp ứng được các nhu cầu đang thay đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin