Tích hợp xét nghiệm HCV và HIV trên hệ thống GeneXpert tại Cần Thơ

Theo Tiengchuong.vn 11:08, 15/10/2024

Kết quả bước đầu ghi nhận, có 265 trường hợp được xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C; 380 trường hợp được xét nghiệm chẩn đoán HIV tại Cần Thơ trong gần 5 tháng triển khai thí điểm.

Lấy máu xét nghiệm cho phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ. Ảnh: BV cung cấp

Gia tăng cơ hội tiếp cận chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân lao và viêm gan C

TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia cao cấp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, ước tính Việt Nam hiện có gần 1 triệu người sống chung với viêm gan C, 250.000 người sống chung với HIV, 172.000 người mắc lao mới.

Trong khi đó, việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C, tải lượng HIV vẫn còn hạn chế do xét nghiệm chỉ sẵn có ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương.

Trước thực tế đó, WHO Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Chương trình chống Lao quốc gia phối hợp triển khai Chương trình "Nghiên cứu thí điểm tích hợp xét nghiệm đo tải lượng HCV và HIV trên hệ thống GeneXpert hiện có tại Hà Nội và Cần Thơ".

Cụ thể, ở Cần Thơ, chương trình triển khai thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt, thời gian thí điểm từ tháng 3/2023 đến tháng 12/2024.

Đến nay, tại Cần Thơ, kết quả bước đầu ghi nhận, có 265 trường hợp được xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C; 380 trường hợp được xét nghiệm chẩn đoán HIV. 107/265 bệnh nhân viêm gan C được điều trị theo phác đồ viêm gan C. Trong đó, có 31 bệnh nhân được xét nghiệm lần 2, 29 bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh.

Thạc sỹ Đoàn Thị Kim Phượng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ cho biết, từ tháng 5/2024 đến nay, Cần Thơ bắt đầu thí điểm triển khai phân phối bộ dụng cụ tự xét nghiệm nhanh viêm gan C qua trang web https://tuxetnghiem.vn.

Đây là chương trình được hỗ trợ kỹ thuật từ Cục Phòng chống HIV/AIDS và Tổ chức WHO. Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm quản lý vận hành.

Sau khi tự xét nghiệm có kết quả sàng lọc anti-viêm gan C dương tính, bệnh nhân sẽ đến Phòng xét nghiệm của Trung tâm tại hai địa chỉ: Số 1 Ngô Đức Kế (phường Tân An, quận Ninh Kiều) hoặc số 400 Nguyễn Văn Cừ nối dài (phường An Bình, quận Ninh Kiều) để được lấy mẫu làm tải lượng, xét nghiệm viêm gan C trên máy Genxpert hoàn toàn miễn phí.

Sau một tuần, bệnh nhân sẽ được hẹn trả kết quả và tư vấn lộ trình điều trị, được thanh toán bảo hiểm y tế thông qua hai đơn vị là Bệnh viện 121 và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

Tích hợp xét nghiệm đo tải lượng virus viêm gan C và HIV trên hệ thống máy GeneXpert sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân lao và viêm gan C ngay tại tuyến huyện.

99% bệnh nhân điều trị HIV có thẻ bảo hiểm y tế

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 5/2024, toàn thành phố có 5.382 người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Trong đó, gần 97% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, tức là không lây nhiễm HIV cho người khác...

Riêng từ đầu năm 2024 đến hết tháng 5/2024, thành phố ghi nhận 207 trường hợp nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV. Tỉ lệ điều trị trong ngày chiếm 43,5%. Trong đó 99% bệnh nhân điều trị có thẻ bảo hiểm y tế.

Thạc sĩ Đoàn Thị Kim Phượng bcho biết, người nhiễm HIV có hộ khẩu ở TP Cần Thơ được thành phố hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Hằng năm, từ nguồn hỗ trợ này, mua 1.700-1.800 thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện thành phố có 6 cơ sở y tế điều trị ARV cho người lớn và 1 cơ sở điều trị ARV cho trẻ em, gồm: Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, BV Quân Y 121, BV Đa khoa Thốt Nốt, BV Đa khoa Ô Môn, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, Trung tâm Y tế quận Cái Răng và BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Người nhiễm HIV được bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh, 20% còn lại được dự án hỗ trợ. Ngoài ra, một số xét nghiệm mà bảo hiểm y tế không chi trả cũng được dự án hỗ trợ.

Bên cạnh hệ thống y tế công lập, TP Cần Thơ cũng có các nhóm đồng đẳng viên, tiếp cận viên hỗ trợ, đồng hành cùng người nhiễm trong suốt quá trình điều trị. Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn tạo mọi điều kiện để người nhiễm tham gia điều trị; liên hệ điện thoại, nhắn tin vận động người nhiễm bỏ điều trị quay lại tiếp tục điều trị, thậm chí nhờ cán bộ y tế ở địa phương đến tận nhà vận động... Trung tâm Y tế quận Bình Thủy cũng có sáng kiến cho người nhiễm HIV quét mã QR để khai thông tin, tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế và người nhiễm. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cũng liên kết với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để khi có bệnh nhân bỏ điều trị, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ sẽ liên hệ với các tỉnh để vận động, nắm thông tin về người nhiễm HIV, giúp họ không gián đoạn điều trị.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ Cần Thơ, đến cuối năm 2023, có 96,9% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 96,7% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Đây là những nỗ lực trong công tác điều trị ARV của TP Cần Thơ.