Hiện nay, tình trạng nợ đọng thuế đang có chiều hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 6-2024, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý là trên 204 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cuối năm 2023. Riêng tỉnh Thái Nguyên cũng có tới hàng trăm tỷ đồng tiền nợ thuế, trong đó có doanh nghiệp nợ tới vài chục tỷ đồng. Để giảm nợ thuế, cơ quan thuế đang quyết liệt thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ.
Ảnh minh họa. |
Theo thông báo của Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ quan thuế cả nước đã ban hành tới gần 174.500 quyết định cưỡng chế thuế theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân nợ thuế. Đó là điều không mong muốn nhưng phải làm. Mới đây, Cục thuế tỉnh Thái Nguyên cũng đã cho công khai lên Báo Thái Nguyên và trang web của cơ quan thuế 24 trường hợp nợ thuế, với tổng số nợ lên tới trên 200 tỷ đồng. Tất cả các trường hợp này đều đã được cơ quan thuế áp dụng biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ, có trường hợp áp dụng nhiều lần nhưng chưa thể thu hồi nợ.
Đáng chú ý trong đó có Công ty TNHH Một thành viên Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng nợ từ nhiều năm nay, với số tiền nợ và tiền phạt chậm nộp là trên 64,7 tỷ đồng. Có 3 doanh nghiệp nợ từ gần 25 tỷ đồng đến trên 33 tỷ đồng, số còn lại nợ từ trên 1 tỷ đồng đến hơn 9 tỷ đồng.
Theo Cục thuế tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, cơ quan này đã áp dụng gần như tất cả các biện pháp cưỡng chế, từ xử lý qua tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn đến xem xét cấm xuất nhập cảnh, nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết các trường hợp nợ thuế kéo dài.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân cơ bản là do kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị gặp nhiều khó khăn, năng lực tài chính giảm sút, có trường hợp nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số trường hợp chây ỳ, không muốn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.
Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã thực hiện việc giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và chỉ tiêu giảm nợ cho cơ quan thuế và cơ quan hải quan theo tháng, quý; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thuế, với nhiệm vụ thu nợ thuế.
Với cơ quan thuế tỉnh Thái Nguyên, công tác rà soát, phân loại nợ, nguyên nhân nợ của từng đối tượng đều được triển khai, phân tích để từ đó áp dụng biện pháp phù hợp cho từng đối tượng nợ thuế. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thông báo đến người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp thông qua hệ thống điện tử, đảm bảo 100% số người nộp thuế được thông báo.
Để giảm nợ thuế, ngành Thuế đang tập trung siết chặt quản lý và thực hiện các biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ hơn để chống việc chây ỳ nợ thuế và hiện tượng tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn. Trong tổng số gần 174.500 quyết định cưỡng chế của ngành Thuế, có trên 151.000 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; trên 21.000 quyết định cưỡng chế hóa đơn và các quyết định còn lại là cưỡng chế kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ ba nắm giữ và cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế thuế nhưng còn không ít khó khăn trong việc thu hồi nợ thuế. Do đó, cùng với các biện pháp mạnh tay, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để người nộp thuế tự giác tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế, không để phát sinh nợ đọng thuế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin