Vừa qua, Báo Thái Nguyên nhận được phản ánh của anh Vy Văn Tâm, trú tại xóm Pháng 1, xã Phú Đô (Phú Lương), về việc chiếc máy nông nghiệp (máy cày) của gia đình anh bị Công an huyện Phú Lương tịch thu khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ...
Anh Vy Văn Tâm cho biết: Ngày 13/6/2021, khi tôi đang lái chiếc máy nông nghiệp để chở gỗ chạy trên tuyến đường liên xã Giang Tiên - Núi Phấn - Phú Đô thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Phú Lương lập biên bản, yêu cầu đưa phương tiện về Công an huyện. Sau đó, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,5 triệu đồng, tôi còn bị Công an huyện ra quyết định tịch thu chiếc máy này.
Hoàn cảnh gia đình anh Tâm khá éo le nên việc bị tịch thu máy nông nghiệp khiến anh không khỏi lo lắng. Anh Tâm cho biết thêm: Sau khi học song cấp 3, tôi vào Bình Dương làm công nhân rồi lấy vợ. Khi chuẩn bị sinh con, chúng tôi về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Vì hoàn cảnh khó khăn nên khi vợ sinh chưa được bao lâu, tôi lại vào miền Nam làm công nhân, kiếm tiền gửi về lo cho gia đình. Khi con gái chưa đầy 2 tuổi, vợ tôi bỏ đi để lại con nhỏ cho ông bà nội trông. Vì con gái còn quá nhỏ, bố mẹ già nên tôi bỏ công việc ở miền Nam rồi về nhà để cùng với bố mẹ chăm con gái. Giờ con gái đã 4 tuổi nên hàng ngày ngoài việc đưa đón con đi học thì ai thuê gì tôi làm đó.
“Đầu năm 2020, tôi mua máy nông nghiệp về vừa phục vụ gia đình vừa làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Tôi phải vay ngân hàng 100 triệu đồng và vay thêm họ hàng 30 triệu đồng để mua máy. Khi mua máy về, ngoài sử dụng làm đất nông nghiệp, tôi thiết kế thêm chiếc thùng để thỉnh thoảng chở gỗ keo thuê. Tuy nhiên, mới chở được vài lần thì bị công an xử lý. Chiếc máy đó là tài sản lớn nhất của gia đình nên tôi rất khó khăn, lo không có tiền trả nợ” - anh Tâm kể tiếp
Đại úy Tăng Văn Tuyền, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phú Lương, cho biết: Trên địa bàn huyện có gần 700 máy nông nghiệp. Tình trạng máy nông nghiệp lắp ráp thùng trái quy định để chở gỗ, thóc lúa... chạy trên đường khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy, Công an huyện đã tăng cường xử lý tình trạng này, tịch thu 14 máy nông nghiệp tự lắp thùng. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng máy nông nghiệp vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã giảm hẳn.
Đối với trường hợp của anh Vy Văn Tâm, Đại úy Tăng Văn Tuyền thông tin: Khi tuần tra, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện máy nông nghiệp của anh Tâm đang chở gỗ cồng kềnh chạy trên đường Giang Tiên - Núi Phấn - Phú Đô… Căn cứ vào Điểm b, Khoản 2, Điều 19, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp này ngoài xử phạt vi phạm hành chính với mức 1,5 triệu đồng còn phải tịch thu phương tiện.
Máy nông nghiệp là tài sản khá lớn đối với một gia đình nông dân, nhất là hoàn cảnh như anh Tâm. Tuy nhiện, việc sử dụng máy nông nghiệp tự thiết kế, lắp thêm thành thùng để chở hàng hóa là vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên sẽ bị tịch thu… Qua đây, lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tránh trường hợp như anh Tâm.