Cả tin theo các thông tin tuyển dụng trên trang mạng xã hội, nhiều người dân trong tỉnh, vùng lân cận đã đi làm việc cho một số công ty trong Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy thông qua Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên, trụ sở đặt tại phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên.
Không có biển hiệu nên nhìn từ bên ngoài khó có thể biết đây là trụ sở Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên (đặt tại phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên). |
Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên không ký hợp đồng với đa số người lao động (NLĐ) mà chỉ yêu cầu họ xuất trình căn cước công dân rồi tập hợp cho doanh nghiệp (DN) trong KCN có nhu cầu thuê lại lao động. Đáng nói nữa là đơn vị này chưa trả lương nhiều tháng nay, khiến hàng chục NLĐ kéo đến trụ sở đòi quyền lợi nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...
Tuyển dụng đơn giản
Nắm bắt được trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều DN trong các KCN cần tuyển dụng lao động “mùa vụ” nên Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên tổ chức nhiều kênh tuyển dụng lao động trên mạng xã hội.
Nguồn lao động trên địa bàn tỉnh tương đối phong phú, nhất là lực lượng học sinh tại các cơ sở đào tạo nghề, sinh viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm trong dịp nghỉ hè. Do vậy, Công ty trên và một số đơn vị tuyển dụng thông báo tìm lao động và trả mức lương khá, quy trình tuyển dụng đơn giản, đi làm ngay cho các DN có nhu cầu sử dụng lao động “mùa vụ” thuê lại.
Chị Trần Thị Thương Hoài ở xã Phú Xuyên (Đại Từ) chia sẻ: “Con tôi nghỉ hè muốn đi làm để trải nghiệm và kiếm thêm thu nhập nên gia đình đồng ý. Cháu nói nơi làm việc ở KCN Điềm Thụy nên tôi rất yên vì có thể đi về trong ngày hoặc cuối tuần. Khi cháu thông tin DN tuyển dụng không ký hợp đồng lao động mà chỉ cần xuất trình căn cước công dân, tôi chỉ nghĩ họ cải cách thủ tục nên đồng ý cho cháu đi làm”.
Thấy cách tuyển dụng đơn giản và cam kết thu nhập ở mức 300-400 nghìn đồng/ngày công, nhiều NLĐ trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận đã tìm đến đơn vị tuyển dụng trung gian nói trên mà không nghĩ đến hệ quả là bị chậm lương, không được hưởng đầy đủ chính sách theo quy định của pháp luật.
Hệ thống biển hiệu của Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên chỉ được đặt, treo phía trong văn phòng. |
Liên tục trì hoãn trả lương
Là một trong số NLĐ bị chậm lương sau thời gian dài làm việc, chị H.T.L ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), bức xúc nói: Ngày 19/6/2023, tôi bắt đầu đi làm cho một công ty trong KCN Điềm Thuỵ do Công ty CP HR connection – Chi nhánh Thái Nguyên đứng ra làm đơn vị cung ứng lao động và nhận trực tiếp trả lương. Mặc dù theo thỏa thuận, Công ty trả lương định kỳ vào ngày 15 của tháng sau nhưng tháng lương đầu tiên của tôi phải chờ tận 2 tháng mới được nhận. Còn lương tháng 7 vừa qua, đến nay Công ty HR vẫn chưa chi trả.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Khang, nhà ở xã Điềm Thụy (Phú Bình), cho biết: Em đi làm tại Công ty TNHH New One Vina ở KCN Điềm Thụy thông qua Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên kết nối từ đầu tháng 7-2023, nhưng cũng bị chậm trả lương hơn 2 tháng nay. Em đã đến Công ty đề nghị thanh toán lương 2 lần, nhưng Công ty liên tục thất hứa, lãnh đạo Công ty tránh mặt… Bức xúc quá, em và một số NLĐ đã đến tận trụ sở của Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên trực chờ để đòi tiền lương nhưng họ lại hẹn đến ngày 11-9 xem xét giải quyết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết không chỉ có 2 trường hợp trên mà rất đông NLĐ làm việc cho Công ty này cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự. Điều khiến họ bức xúc là dù chậm lương nhiều tháng và kéo dài nhưng lãnh đạo Công ty không trả lời những yêu cầu của NLĐ, còn nhân viên trực văn phòng khất lần…
Chiều 5-9 vừa qua có khoảng 40-50 NLĐ bị nợ lương tập trung tại trụ sở Công ty ở phường Hồng Tiến từ sáng đến tối muộn để yêu cầu trả lương của các tháng 6, 7.
Dù thế, doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết ngay cho họ. Chỉ đến khi NLĐ thông báo sẽ nhờ lực lượng Công an giải quyết thì gần 22 giờ cùng ngày, Công ty HR connection mới chịu chi trả lương cho một số NLĐ. Còn lại một số công nhân tiếp tục được hẹn sang ngày hôm sau thanh toán. Tuy nhiên, theo NLĐ thì Công ty này lại trì hoãn việc thanh toán lương và hẹn đến cuối tháng 9...
Không đủ điều kiện vẫn hoạt động
Chúng tôi được biết thêm, phần lớn NLĐ làm việc cho Công ty HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên đều không được ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói. Trong khi có những NLĐ làm việc từ 1-3 tháng.
Theo nhân viên Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên, họ chỉ làm việc, liên hệ với người quản lý qua Zalo nên không có số điện thoại để cung cấp cho phóng viên liên hệ. |
Bên cạnh đó, khi chúng tôi đến tìm hiểu thực tế thì rất ngạc nhiên vì bên ngoài Công ty không treo biển hoạt động như các công ty thông thường. Chi nhánh Văn phòng hoạt động cũng khá kín kẽ, chỉ có 1-2 nhân viên trực. Khi chúng tôi đề nghị được làm việc với lãnh đạo đơn vị thì nhân viên thông báo họ đi vắng. Còn khi được hỏi số điện thoại của lãnh đạo để chủ động liên hệ thì nhân viên cho hay giữa nhân viên với lãnh đạo Chi nhánh chỉ liên lạc với nhau qua Zalo nên không có số điện thoại (!?).
Trước sự bất thường trên, chúng tôi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua kiểm tra thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 DN cho thuê lại lao động được cấp phép hoạt động. Trong đó, 4 đơn vị có thông báo hoạt động gửi về Sở, không có Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên.
Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên có hoạt động cho thuê lại lao động từ nhiều tháng qua nhưng đến nay ngành chức năng và chính quyền sở tại vẫn chưa nắm bắt được. |
Ở góc độ quản lý nhà nước, ngoài công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch hằng năm, trong tháng 4 vừa qua, Sở đã có văn bản gửi chính quyền các địa phương, trong đó có TP. Phổ Yên, đề nghị tăng cường rà soát, báo cáo tổng hợp các đơn vị, DN hoạt động ngành nghề cho thuê lại lao động trên địa bàn để thống nhất quản lý. Tuy nhiên, trong danh sách gửi về của địa phương cũng chưa thấy có Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên...
Được biết, cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên việc Công ty CP HR connection - Chi nhánh Thái Nguyên bất chấp quy định ngang nhiên hoạt động “chui” cần phải sớm được ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Không những vậy, trong quá trình hoạt động, Công ty còn không thực hiện đúng thỏa thuận với NLĐ của mình về thanh toán tiền lương và thực hiện đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Qua cơ quan báo chí, NLĐ mong muốn chính quyền TP. Phổ Yên, cơ quan quản lý lao động và ngành Công an sớm vào cuộc, có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật lao động để loại hình kinh doanh này đi vào hoạt động nền nếp, đòi lại khoản tiền chính đáng cho NLĐ.
Đây cũng là bài học để NLĐ khi có nhu cầu đi làm việc cần chọn lựa kỹ DN tuyển dụng, yêu cầu ký hợp đồng với đầy đủ các điều khoản về nơi làm việc, thu nhập, các chệ độ liên quan. Khi NLĐ bị xâm hại về quyền lợi nên phản ánh kịp thời tới cấp, ngành liên quan để được bảo vệ.
Theo Khoản 2, Điều 16 của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: DN sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền dao động từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng, tùy số lượng người lao động bị trả chậm lương. Ngoài ra, DN buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin