Sáng nay 8-7, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã chính thức khai mạc.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, địa phương của tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19, nhưng với sự vào cuộc quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nên kinh tế của tỉnh vẫn đảm bảo tăng trưởng, đời sống của nhân dân được ổn định. Một số chỉ tiêu đạt được cụ thể:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 2,63% (cả nước tăng 1,81%); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 334,8 nghìn tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ, bằng 41,7% kế hoạch cả năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 11,28 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước và bằng 38,2% kế hoạch cả năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.552 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ, bằng 42,1% dự toán cả năm; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ước đạt gần 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,68% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân 2020 ước đạt 221,5 nghìn tấn, bằng 105,3% kế hoạch. Kết quả xếp hạng năm 2019 đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 12; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 39; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 14/63 tỉnh, thành và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 86,26 điểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, đó là: Tăng trưởng kinh tế còn thấp so với mục tiêu cả năm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách tiến độ triển khai còn chậm, còn vướng mắc nhiều thủ tục liên quan đến đất đai, đấu thầu dự án cần phải sớm được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; công tác phòng chống dịch vẫn cần tiếp tục được quan tâm thực hiện, khả năng nguồn lực ngân sách tỉnh còn hạn chế dẫn tới ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và cân đối ngân sách tỉnh.
Nghiêm túc đánh giá những kết quả đạt được, những mặt mạnh, tích cực; đồng thời kiểm điểm những hạn chế trong quản lý, điều hành, UBND tỉnh đã đưa ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các chính sách xã hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra.
Phát biểu Chỉ đạo tại Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Trên cơ sở những chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, các vị đại biểu HĐND tỉnh cần phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, đưa ra các giải pháp và quyết sách phù hợp, hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết. Ngay sau kỳ họp, cần tổ chức báo cáo kết quả với cử tri và nhân dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong buổi sáng, các đại biểu nghe các báo cáo, tờ trình: Tờ trình đề nghị thông qua Chương trình giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên năm 2021; Thông báo hoạt động của Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2020; Tờ trình về việc quy định mức thu học phí đối với cấp học mầm non và cấp học phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2020-2021 thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý; Tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án: Kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2); Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thái Nguyên...
* Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe các báo cáo, tờ trình Báo cáo, Tờ trình về việc đề nghị thông qua kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh; Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên…
Tiếp đó, các đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện quy trình liên quan đến công tác cán bộ. Cụ thể, thực hiện quy trình cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Trần Quốc Tỏ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nhữ Văn Tâm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Như Tuấn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh. Thực hiện quy trình miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh, khóa XIII đối với ông Vũ Duy Hiển, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp; ông Nguyễn Vy Hồng, nguyên Giám đốc Sở Y tế; ông Bùi Tuấn Thịnh, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Các đại biểu biểu quyết bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII. Ảnh: Mạnh Hùng
Tiến hành quy trình bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, nhiệm kỳ 2016- 2021 đối với bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp; ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế và bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đồng thời tiến hành quy trình miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đối với ông Ân Văn Thanh, hiện là Chánh văn phòng HĐND tỉnh và bầu bà Lê Thị Thu An, Bí thư Đảng ủy phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giữ chức Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021.