Phát triển nhanh nhưng cần giữ cho được nền tảng văn hóa

09:13, 30/10/2020

Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi rất tán thành với nhận định về những việc chúng ta đã làm được trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Trong đó, nền kinh tế đất nước có bước phát triển hết sức ngoạn mục. Trong khi tình hình thế giới có nhiều biến động, khó khăn (như dịch bệnh, chuyển đổi về công nghệ…) thì đất nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá tốt (trên dưới 5%), là một trong ít Quốc gia tăng trưởng được như vậy.

Trong kết quả chung đó, theo tôi, chúng ta đã làm được 3 vấn đề lớn, rất trọng tâm: Thứ nhất là cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư (nhất là nguồn vốn FDI), chính điều đó đã tạo ra được nguồn lực mới cho nền kinh tế phát triển. Thứ hai là cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, từng bước hoàn thiện với sự tập trung chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương. Thứ ba là bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng. Những điều đó nhân dân rất đồng tình và hưởng ứng. Đó cũng là nguyên nhân để chúng ta nói cách mạng là sự nghiệp của dân. Thành công đó không chỉ do chúng ta đã phát huy tốt nội lực mà còn nhờ chúng ta đã tranh thủ được cả ngoại lực như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”. Chúng ta có sự kế thừa nhưng cũng có sự đổi mới, bằng chứng là Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch các nước ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Rõ ràng vị thế của chúng ta bây giờ khác rất nhiều so với thời kỳ đất nước mới bước vào đổi mới. 

Đảng ta cũng đề ra nhiệm vụ trước mắt không chỉ là 5 năm tới mà lâu dài hơn nữa để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình. Điều đó rất đáng ghi nhận, cho thấy quyết tâm chiến lược của Đảng ta rất rõ ràng, đây cũng là nguồn động viên, tổng hợp sức mạnh của tất cả các lực lượng để phục vụ mục tiêu này.

Về công tác xây dựng Đảng, tôi nhận thấy văn kiện lần này đã dành một phần thỏa đáng để nhìn lại những cái được, chưa được và những nhiệm vụ thời gian tới. Xây dựng Đảng là vấn đề quan trọng trong mọi thời kỳ. Đảng vững vàng thì sẽ tập trung được mọi nguồn lực trong dân. Vì thế, những người lãnh đạo trong Đảng phải là người có trí tuệ, bản lĩnh và biết nắm bắt thời cơ. Đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, trong nhiệm kỳ tới chúng ta phải đặt vấn đề gìn giữ, phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc tương xứng với lĩnh vực phát triển kinh tế. Điều này không mới, nhiều kỳ đại hội đã đặt ra. Ngay kể cả từ khi tôi tham gia khóa VII đã đặt ra rồi. Nhưng đó vẫn là vấn đề rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Tôi băn khoăn là bởi kinh tế nước ta đang phát triển tốt. Chúng ta đã tranh thủ nắm bắt thời cơ để có những bước phát triển ngoạn mục, nhưng vấn đề văn hóa, giáo dục trong xã hội có phần chững lại nếu không muốn nói là đi xuống. Đây cũng là điều trăn trở trong dân. Vì sao vậy? Tôi cho là tới đây, Đại hội XIII này phải đặt vấn đề gìn giữ văn hóa quyết liệt hơn và làm bài bản hơn. Tôi nghĩ cần có thiết chế cụ thể về văn hóa, giáo dục và cơ chế hoạt động của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Trước đây chúng ta kiểm duyệt rất chặt chẽ, nhưng hiện nay vấn đề này nhiều khi gần như thả nổi.

Chúng ta không thể để thị trường chi phối nhiều giá trị văn hóa như vậy. Nếu nói văn hóa phải là nền tảng, thì cái nền tảng này phải giữ thế nào? Tôi nghĩ cần phải suy nghĩ rất kỹ, đặt ra những giải pháp hết sức quyết liệt cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và đặc biệt không thể thiếu sự kiểm duyệt. Ông cha ta có truyền thống giữ nước. Giữ nước là giữ được văn hóa. Vậy cần phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa để văn hóa Việt không bị ngoại lai xâm lấn và biến tướng. Việt Nam ta dù hàng nghìn năm Bắc thuộc nhưng vẫn giữ được văn hóa, bản sắc của người Việt. Vì vậy, tôi nghĩ trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ hiện nay, việc giữ gìn bản sắc dân tộc phải hết sức quyết liệt nếu không sẽ bị thị trường chi phối, từ đó đạo đức sẽ xuống cấp. 

Trong công tác xây dựng Đảng những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực như chuẩn hóa, đào tạo cán bộ, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với các thành phần kinh tế đều được cụ thể hóa. Nhưng nền tảng của vấn đề xây dựng Đảng đó là tư tưởng, người cán bộ đảng viên phải lấy lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết không thể bị cơ chế thị trường tác động làm phai nhạt lý tưởng, phai nhạt định hướng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, phải xem lại hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng. Vì muốn Đảng mạnh phải mạnh từ cơ sở. Nơi ấy gắn liền với dân mà cách mạng là sự nghiệp của dân. Bí thư Chi bộ mạnh, Chi bộ mạnh thì tâm tư, tình cảm và mọi diễn biến trong dân đều có thể nắm bắt. Có như vậy chúng ta mới kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các hành vi và thủ đoạn của các thế lực xấu…

Nói tóm lại, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, chúng ta không được phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Đừng vì thành tích, vì tốc độ tăng trưởng mà quên đi cái nền tảng đó là văn hóa. Tôi tin tưởng rằng với sức mạnh tập thể, cùng ý chí và bản lĩnh của những con người ưu tú, Đại hội XIII của Đảng sẽ đề ra được những quyết sách để Việt Nam phát triển hùng cường và luôn đậm đà bản sắc dân tộc cùng cốt cách của con người Việt Nam…

Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy 
Bắc Thái - Thái Nguyên