Ngày 14-12, Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: M.H)
Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã nêu những thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước 5 năm qua (2016-2021). Theo đó, công tác đối ngoại đã được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; trên các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo…, góp phần gia tăng hiểu biết, vun đắp tình cảm hữu nghị, củng cố nền tảng bền vững và môi trường chính trị thuận lợi chung cho quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên (Ảnh: M.H)
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, độc lập, tự cường và bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc luôn là nguyên tắc bất biến, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường, bảo vệ giang sơn đất nước, ông cha ta luôn coi trọng đối ngoại, tạo dựng nên truyền thống và bản sắc riêng của ngoại giao Việt Nam, đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý, trí nghĩa.
Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy đã được phát huy và tỏa sáng, phát triển thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh - ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Đó là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, can trường trước mọi thử thách, khó khăn, vì độc lập dân tộc, kiên quyết, kiên trì, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Về những vấn đề cần lưu ý trong công tác đối ngoại thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đội ngũ làm công tác đối ngoại phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, chủ động, dám vượt ra khỏi khuôn khổ tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tầm khu vực và quốc tế. Bởi nguồn lực của chúng ta trên các tiêu chí kinh tế, dân số, quốc phòng, đối ngoại đã khác nhiều trong 35 năm đổi mới; trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của đất nước…
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên (Ảnh: M.H)