Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức tháng 2-1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua với ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Đề cương đã giúp chúng ta chuyển từ một nền văn hóa về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản sang một nền văn hóa mới cách mạng, dân tộc, phát huy sức mạnh của văn hóa, hình thành nên tinh thần yêu nước, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.
Thực hành hát Then, đàn Tính. |
Văn hóa ngày hôm nay đã có nhiều khác biệt so với bối cảnh những năm 1940 của thế kỷ trước. Nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân cao hơn. Tác động của văn hóa thế giới đến văn hóa Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn. Đảng và Nhà nước ta cũng có nhiều điều kiện hơn trong chăm sóc đời sống văn hóa cho nhân dân.
Thuận lợi và thách thức đan xen trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam khiến chúng ta cần tìm những giải pháp phù hợp để phát triển văn hóa vì sự phát triển bền vững đất nước. Trong đó, những giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam chính là một trong những chỗ dựa vững chắc, đã được kiểm chứng qua thời gian, giúp chúng ta khẳng định bản lĩnh, sức mạnh văn hóa Việt Nam.
Từ ba nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, chúng ta đã phát triển, hoàn thiện hơn ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ở đó, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có hơn văn hóa dân tộc là một bổ sung mới để phù hợp hơn với bối cảnh toàn cầu hóa; ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, văn hóa và con người là mục đích của mọi sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta phát triển văn hóa để xây dựng con người, và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, những nội hàm của các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa cũng được cụ thể hóa để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Ví dụ, ba nguyên tắc này đã được vận dụng, thể hiện đầy đủ trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học hiện nay.
Giờ đây, chúng ta mong muốn xây dựng hệ giá trị văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”. Ở đó, bên cạnh tình yêu nước, tinh thần đoàn kết được hiểu theo những nội hàm mới, phù hợp với bối cảnh xã hội ngày nay, thì những giá trị khoa học hay trình độ văn minh của văn hóa, đặc biệt là giá trị dân chủ, coi trọng sự tham gia của toàn xã hội vào xây dựng đời sống văn hóa, giá trị nhân văn, ở đó, mọi sự phát triển đều hướng đến con người.
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, chúng ta càng cần phát huy hơn nữa vai trò của văn hóa để hình thành nên hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra hành trang, bản lĩnh và sự tự tin để đất nước hội nhập tốt hơn vào một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Vì văn hóa liên quan đến toàn bộ xã hội, nên những nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa cần phải được thẩm thấu vào trong toàn bộ xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin