Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và xác định đây là một trong ba bộ phận cấu thành quan trọng của công tác xây dựng Đảng nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và quân ta. Điều này cũng được khẳng định ngay trong phần đầu của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải Nhất cho thí sinh tham gia Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi huyện Phú Bình năm 2021. |
Đề cương mở đầu với phần Cách đặt vấn đề, trong đó xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hóa bao gồm ba thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Các thành tố này bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với các lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Phương châm của công tác tư tưởng là “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng sẽ góp phần xây dựng Đảng thực sự trí tuệ, đạo đức và văn minh, xây dựng thành công một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa trong công tác tư tưởng sẽ tạo thành nguồn lực và động lực mạnh mẽ để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, là một quá trình dần dần, từ từ nhưng cũng không vì thế mà chậm trễ, thụ động ngồi chờ, phải bắt đầu ngay từ ngày hôm nay bằng những việc làm cụ thể, có trách nhiệm, có lộ trình phù hợp.
Nếu cấp uỷ, người làm công tác tư tưởng ở đâu cũng luôn lấy các giá trị văn hóa làm mục tiêu, làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả thì ở đó công tác tư tưởng sẽ đạt tới tầm văn hoá. Văn hoá trong công tác tư tưởng cùng với văn hóa chính trị, văn hóa trong công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận… sẽ góp phần tạo nên văn hoá Đảng, văn hóa của hệ thống chính trị như mục tiêu Đảng đã xác định.
Kế thừa, phát huy nền tảng, giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khơi dậy mạnh mẽ ở các cấp, ngành, địa phương và các lĩnh vực của đời sống xã hội về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo đó, công tác tư tưởng cũng từng bước được nhận thức, hành động theo các giá trị văn hóa của nhân loại, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời giữ gìn, bồi đắp, sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới mang đặc trưng của công tác tư tưởng.
Dự báo tình hình trong thời gian tới, chúng ta có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác tư tưởng phải có tính chiến đấu cao mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng, trực tiếp là người đứng đầu phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, phải chủ động nắm bắt diễn biến tình hình những vấn đề thời cuộc đang đặt ra liên quan đến đất nước và địa phương để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng nhận thức trong nội bộ và nhân dân, tạo sự thông suốt, ổn định về tư tưởng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó, ngành Tuyên giáo tham mưu trực tiếp trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Để công tác tư tưởng thật sự thuyết phục, hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân bằng lý lẽ, tâm huyết, kinh nghiệm và bằng thực tiễn cuộc sống, những người làm công tác tư tưởng phải chú trọng giáo dục bằng nêu gương, thể hiện tính gương mẫu về nhân cách, đạo đức, bản lĩnh chính trị, sự kiên định vững vàng; tinh thần trách nhiệm cao trong các phong trào thi đua yêu nước.
Chặng đường hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, công tác tư tưởng của Đảng đã phát huy tốt các giá trị truyền thống của dân tộc và đang hình thành nhiều giá trị mới. Tuy nhiên, hiện nay, những giá trị truyền thống đang bị thách thức bởi môi trường, điều kiện sống có sự thay đổi mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng kỹ thuật số đang tạo ra một cuộc “xâm lăng” văn hóa từ bên ngoài, môi trường văn hóa đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phi văn hóa. Những vấn đề đó đang đặt ra cho công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa trong công tác tư tưởng nói riêng nhiều khó khăn, thách thức.
Với những tư tưởng, quan điểm ngắn gọn, súc tích, Đề cương về văn hóa Việt Nam chính là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam. Nền tảng tinh thần của Đề cương đã định hướng về xây dựng một số chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, tạo sức hút và khả năng quy tụ mạnh mẽ tri thức, tâm huyết, khát vọng cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin