Chiều 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ.
* Thái Nguyên đứng vị trí thứ 8 cả nước về Chỉ số chuyển đổi số DTI
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. |
Cùng dự có: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các sở, ngành liên quan dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên. |
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số được cả thế giới hiện nay tích cực thực hiện; chúng ta nhận thức chuyển đổi số là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo, lãnh đạo và đưa chuyển đổi số vào cả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để triển khai; sau đó, Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Công an đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để làm tốt công việc này cần phải ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn lực tài chính, con người cho công việc này, đồng thời phải có chủ trương, kế hoạch, dự án, con người làm các công việc này. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai tích cực để phục vụ con người. Trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta luôn lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực, động lực cho sự phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. |
Theo Thủ tướng, để phục vụ con người, chúng ta phải có các dữ liệu, tham số của con người, trên cơ sở đó, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nâng cao môi trường cạnh tranh, khả năng cạnh tranh quốc gia. Từ chủ trương, kế hoạch, dự án, bố trí nguồn lực, con người để thực hiện chương trình này được thực hiện bài bản, tích cực.
Chúng ta có cơ sở dữ liệu dân cư tương đối tốt, triển khai nhanh, “đi sau, về trước” so nhiều nước, nhờ đó triển khai nhanh, tất nhiên phải cần hoàn thiện hơn nữa, từ đó xác định cơ sở dữ liệu là trung tâm, quan trọng, cấp bách. Chúng ta muốn phục vụ con người tốt phải có cơ sở dữ liệu tốt và chúng ta đang triển khai đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc. |
Thủ tướng nêu rõ, tại sự kiện này, chúng ta đánh giá lại 6 tháng qua đã làm được gì, chưa làm được gì, nêu nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, từ đó rút bài học kinh nghiệm, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa thời gian tới đây. Năm nay là năm dữ liệu, do đó, các bộ, ngành, địa phương nào cũng phải cơ sở dữ liệu, nhưng chúng ta tích hợp để điều hành tốt, nhưng cũng phải phát triển cơ sở dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương.
Qua quá trình triển khai thì cần rút ra cái gì vướng mắc về thể chế, chủ trương, nguồn lực, từ đó mới đánh giá lại cần phải làm gì trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số, gắn với Đề án 06, qua đó giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, chống tham nhũng tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt. Chúng ta phải nêu khó khăn, vướng mắc, giải pháp để làm tốt hơn. 6 tháng qua đã có bước tiến quan trọng, 6 tháng tới đây phải làm tốt hơn. Năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, đó là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó chuyển đổi số phải đi trước, đi sớm.
Thủ tướng đề nghị thời gian hội nghị thì ít, do đó các đại biểu đi thẳng vào vấn đề, chia sẻ bài học hay, kinh nghiệm quý, nhất là nêu vướng mắc, thời gian tháo gỡ bao lâu có bước đi, lộ trình cụ thể. Thủ tướng hy vọng sau hội nghị này, công tác chuyển đổi số cũng như triển khai Đề án 06 sẽ có bước chuyển tích cực.
* Theo báo cáo của Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử: Xác định năm 2023 là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, được thể hiện bằng 3 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết. Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ tiếp tục phát huy vai trò thường trực, đôn đốc, thúc đẩy các nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao, được thể hiện bằng 11 Thông báo của Văn phòng Chính phủ và 5 Kết luận của đồng chí Tổ trưởng Tổ Công tác hàng tháng với tổng số 175 nhiệm vụ.
Đối với 3 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 16 Thông báo, có 175 nhiệm vụ, gồm 24 nhiệm vụ chung, 124 nhiệm vụ cụ thể, 27 nhiệm vụ của địa phương. Đã hoàn thành 64 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 24 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 23 nhiệm vụ, đang triển khai 64 nhiệm vụ. Kết quả nổi bật như sau:
Nhóm tiện ích giải quyết thủ thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 8/4/2023 chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tổ chức thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, cơ quan.
Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, số tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 thủ tục hành chính, đạt 34%.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 5/4/2023 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Có 6 bộ, ngành và 11 địa phương tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt cao (trên 90%),
Đối với việc thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, ngày 6/12/2021 của Chính phủ: Có 15 bộ, cơ quan và 62/63 địa phương đã hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử, đạt 92,77%. Có 6 bộ và 26/63 địa phương xác nhận đã hoàn thành xây dựng chức năng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Về dịch vụ công: Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu: Văn phòng Chính phủ đã phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công quốc gia... Giá trị mang lại: hằng năm, tiết kiệm cho nhà nước 2.505 tỷ đồng. Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp 67.391 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương để sử dụng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thông tin điện tử các cấp.
Về phát triển kinh tế, xã hội: Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt mức độ 4. Tính đến hết tháng 6/2023, 94,21% khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với số tiền tương ứng trên 98,02% số thu tiền điện. Giảm chi phí cho khách hàng, tiết kiệm chi phí in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu với gần 20 triệu trang hồ sơ/năm về dịch vụ và hợp đồng mua bán điện; 760 triệu trang giấy/năm cho việc in hóa đơn.
Bộ Công an tiếp tục ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực, như: Ngân hàng (làm sạch 41 triệu dữ liệu thông tin khách hàng; ứng dụng CCCD gắn chip điện tử, xác thực chính xác người tham gia giao dịch, sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM, tiết kiệm tiền in thẻ, khoảng 50.000 đồng/thẻ); Viễn thông (Cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu 102 triệu yêu cầu cho 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone, giúp chuẩn hóa thông tin thuê bao, tổ chức thu phí xác thực khoảng 150 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ, nộp ngân sách nhà nước 70%); Y tế (tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế thay thế bằng thẻ CCCD gắn chip triển khai tại 12.455 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 97%, tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy với số tiền 24,7 tỷ đồng)…
Trước giờ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã tham qua triển lãm thành tựu về những ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai Đề án 06. Triển lãm quy tụ một số đơn vị lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin như VNPT, FPT, Viettel…
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian triển lãm của Tập đoàn FPT, nghe đại diện Bộ Công an và FPT giới thiệu về những ứng dụng công nghệ mới trong triển khai Đề án 06, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung. |
Tại Hội nghị, Tập đoàn FPT là một trong những đơn vị tham dự và trình bày sáng kiến đồng hành cùng Chính phủ, địa phương đưa đề án đi vào đời sống. Lãnh đạo FPT đề xuất xây dựng và phát huy sức mạnh của cơ sở dữ liệu ở các tỉnh, thành phố. Từ đó, giúp lãnh đạo tỉnh, thành phố chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu thời gian thực, nâng cao năng lực của chính quyền trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tập đoàn FPT cho biết: Sau thời gian Đề án 06 thực thi, nhiều thành tựu vững chắc được Chính phủ triển khai, ban hành, đi vào cuộc sống trên nền tảng dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng. Dữ liệu là nền tảng quan trọng nhất của chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, cơ sở dữ liệu là trái tim, các cơ sở dữ liệu địa phương là mạch máu. Trái tim đập giúp máu lưu thông. Những mạch máu cũng nuôi trái tim khỏe mạnh. Vì vậy, cần đưa ra được chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu - giống như trái tim đập không nghỉ.
FPT đề xuất xây dựng mô hình hạ tầng công nghệ thông tin cấp tỉnh/thành phố giúp các lãnh đạo chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu thời gian thực. Trong quá trình xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cấp tỉnh, thành phố, FPT đề xuất thành lập đơn vị Trung tâm điều hành thông minh như một đơn vị hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân. Tại đây, kho dữ liệu tích hợp địa phương đóng vai trò thu thập, tích hợp và khai thác dữ liệu tạo nên nguồn tài nguyên khổng lồ cho quá trình chuyển đổi số theo nguyên tắc: đúng - đủ - sạch - sống. Hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp, liên thông đa dạng từ nhiều nguồn như: Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, hệ thống thông tin các chuyên ngành như y tế, giáo dục, giao thông,... liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia. Danh mục dữ liệu sẽ được đồng bộ chính xác, nhất quán, giúp lãnh đạo có thể nhanh chóng nắm bắt dữ liệu và chỉ đạo tức thời.
Trong khuôn khổ triển lãm, đại diện Bộ Công an cũng giới thiệu về mô hình của FPT là thí dụ điển hình về xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung. Theo đó, doanh nghiệp cùng với chính phủ tìm ra điểm cốt lõi khi phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, từ đó xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp sự phát triển vùng miền, phù hợp với sự phát triển của dữ liệu để tránh đầu tư dư thừa. Cần có sự đồng bộ, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp cùng triển khai tại một địa phương nhưng không phù hợp, dữ liệu cát cứ, không không bộ. FPT là một trong những doanh nghiệp đồng lòng với Chính phủ, địa phương để xây dựng hạ tầng chuẩn theo cứ điểm của từng vùng miền.
Cùng với đó, FPT đề xuất mô hình hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ số - Chuyển đổi số - Thành phố Thông minh. Mô hình điều hành dựa trên dữ liệu để giải quyết điểm nghẽn trong bài toán dữ liệu cát cứ, chồng chéo, chưa liên thông đồng bộ từ quốc gia tới địa phương…
* Tại Hội nghị, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã công bố xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ và cấp tỉnh năm 2022. Theo đó, TP. Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 3 đơn vị, địa phương đứng đầu bảng xếp hạng.
Tỉnh Thái Nguyên năm thứ hai liên tiếp xếp vị trí thứ 8/63 trong số các tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số (DTI).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin