Một lần tôi được tham gia cùng đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện tinh giản biên chế tại Đảng bộ T. Trong buổi làm việc, đồng chí Bí thư Đảng ủy cho biết, Đảng bộ đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chỉ tiêu tinh giản biên chế. Nhưng có một thực tế đang diễn ra là người cần tinh giản thì không muốn nghỉ, người không cần tinh giản lại xin về… Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng “khó nói”, và thực trạng này có lẽ không chỉ riêng ở Đảng bộ T.
Tranh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Thông tin đồng chí Bí thư Đảng ủy Đảng bộ T. đưa ra không mới, các cơ quan báo chí đã nhiều lần phân tích, mổ xẻ và cũng đã được các đại biểu dân cử đưa ra thảo luận tại nghị trường. Nhưng vì muốn kiểm chứng điều “khó nói” có đúng như mình nghĩ, tôi đã gặp đồng chí Bí thư Đảng ủy sau buổi làm việc. Nhìn thấy tôi, như đã biết được lý do, đồng chí Bí thư hỏi ngay:
- Có phải đồng chí muốn tìm hiểu nguyên nhân “khó nói” mà tôi đề cập tại buổi làm việc?
- Vâng, chính là vấn đề ấy! - Tôi thừa nhận.
Đồng chí Bí thư không giấu diếm: Chắc đồng chí cũng biết, thực tế có cán bộ năng lực hạn chế, làm việc hiệu quả thấp và cũng đã nhiều tuổi, tinh giản được rồi. Ngặt một nỗi, công tác với nhau mấy chục năm trời, sắp đến tuổi nghỉ hưu chẳng lẽ lại đưa họ vào diện tinh giản. Ngoài ra, còn một số cán bộ chuyên môn yếu, thái độ, trách nhiệm không cao, nhưng là con em chúng ta, người nhà của cấp trên nên...
Ngừng một lát, đồng chí Bí thư Đảng ủy trầm ngâm: Thực tế công chức làm tốt thì lại bị giao việc nhiều. Áp lực công việc lớn nhưng cơ hội thăng tiến lại không hề tăng. Ngược lại, công chức, viên chức làm việc hiệu quả thấp thường ít bị giao việc, có giao thì là việc dễ, đơn giản. Khi bình xét, vì ít việc, công việc lại đơn giản nên vẫn hoàn thành... Hơn nữa, việc tăng lương, nâng ngạch hiện nay vẫn dựa vào thâm niên và bằng cấp là chính, chưa theo vị trí việc làm và sự cống hiến. Bởi vậy, kết quả tinh giản biên chế chủ yếu do có người đủ tuổi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Xu hướng cán bộ trẻ, có năng lực rời khu vực công sang tư ngày một tăng... Công cuộc tinh gọn bộ máy của chúng ta "có giản mà chưa tinh”.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần rà soát lại đề án vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện đánh giá cán bộ thực chất, khách quan, không né tránh, nể nang; sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc. Quyết liệt đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Có như vậy mới thực hiện được chủ trương xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin