Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu nổi bật. Các văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cống hiến, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Thái Nguyên sung túc, hạnh phúc…
Thực hành Then của người Tày, Nùng ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
Trong những năm qua, văn học, nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên vẫn phát triển theo dòng mạch chính là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”.
Trên cơ sở đó, văn nghệ sĩ trong tỉnh tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới; quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều góc cạnh đời thường của con người, làm phong phú và sâu sắc hơn chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật.
Đặc biệt, lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh đã trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện con người, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, nhạy bén và mạnh dạn lên án, tố cáo cái xấu, độc ác, đen tối, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống của con người.
Từ đó, tính chiến đấu của các tác phẩm của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh có tác dụng cảnh báo, phản biện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực đang nảy sinh trong đời sống xã hội.
Vấn đề tự do khi sáng tạo văn học, nghệ thuật nhưng nằm trong khuôn khổ, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được các văn nghệ sĩ nghiêm túc chấp hành nên tác phẩm, thành tựu văn hóa nghệ thuật có chất lượng và không có trường hợp lệch lạc. Qua đó vừa khơi dậy sức sáng tạo, vừa phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị.
Hội văn học nghệ thuật các cấp thi đua sáng tác, sáng tạo và luôn tích cực tham gia hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, đi thực tế… nhằm tạo điều kiện cho hội viên thâm nhập thực tế, lấy tư liệu sáng tác.
Do vậy, chất lượng hội viên ngày càng được nâng cao, nhiều hội viên có tác phẩm chất lượng tốt được Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên xuất bản.
Đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Hiện, toàn tỉnh có hơn 1.000 di tích lịch sử - văn hoá đã được kiểm kê, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hoá, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt (13 điểm di tích), 55 di tích quốc gia, 231 di tích cấp tỉnh.
Song song với đó, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều dự án, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, như: Các lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghệ thuật trình diễn dân gian đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản cấp Quốc gia.
Việc tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều cống hiến được địa phương quan tâm, trên địa bàn có 02 Nghệ sĩ Nhân dân, 11 Nghệ sĩ Ưu tú, 16 Nghệ nhân Ưu tú, 02 Nghệ nhân Nhân dân...
Từ đó, có thể thấy các hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên đã phát triển vượt bậc và có tính chuyên nghiệp, sâu rộng, thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tác, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, chắc chắn lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh phải nỗ lực, đổi mới liên tục mới theo kịp và vượt lên. Từ đó, văn học, nghệ thuật thực sự góp sức xây dựng phẩm chất, cốt cách con người Thái Nguyên, biến văn học, nghệ thuật thành sức mạnh nội sinh, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên hiện có 300 hội viên hoạt động tại 11 chi hội chuyên ngành, gồm: Văn, Thơ, Âm nhạc, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn nghệ dân gian, Lý luận phê bình, Điện ảnh - Phát thanh truyền hình và 08 hội thành viên ở cấp huyện. Các hội thành viên đều có tư cách pháp nhân, có con dấu, có điều lệ hoạt động riêng, trên cơ sở tự nguyện, tự quản và tự đảm bảo kinh phí hoạt động; Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao và các đề án hoạt động nghề nghiệp được phê duyệt. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin