Thông điệp lớn gửi tới các đối tác và bạn bè quốc tế

Theo qdnd.vn 09:06, 17/09/2023

Từ ngày 17 đến 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Quanh cảnh một phiên họp của ĐHĐ LHQ. Ảnh: TTXVN
Quanh cảnh một phiên họp của ĐHĐ LHQ. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi gia nhập LHQ vào năm 1977, Việt Nam ngày càng khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm thông qua các đóng góp hiệu quả, thực chất về mọi mặt tại tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng. Việt Nam cũng đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của LHQ như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế và đã thông báo tiếp tục ứng cử vào một số cơ quan, vị trí quan trọng khác trực thuộc LHQ. Trong khi đó, quan hệ hợp tác với LHQ suốt 46 năm qua đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức LHQ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 ĐHĐ LHQ diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách. Những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn song LHQ tiếp tục được các nước coi trọng, có vai trò chưa thể thay thế trong quản trị toàn cầu, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và các cam kết quốc tế trên tất cả các lĩnh vực hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người.

Đồng thời, LHQ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo khuôn khổ nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, kiềm chế xung đột leo thang, định hướng phát triển tương lai toàn cầu thông qua các tiến trình tham vấn lớn. Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 ĐHĐ LHQ sẽ được tổ chức với chủ đề: “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”.

Sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm triển khai quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, phát triển sâu rộng, thực chất, toàn diện trên tất cả lĩnh vực quan trọng và ở cả 3 cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Vừa qua, nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững-một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, nhằm cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận, cam kết đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Với Brazil-quốc gia có uy tín, vị thế và vai trò quan trọng ở khu vực Mỹ Latin và trên thế giới, đồng thời là thành viên tích cực tại nhiều tổ chức, cơ chế đa phương, quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực. Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latin với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, thể thao, quốc phòng được hai bên quan tâm thúc đẩy. Hai nước cũng duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó có LHQ. Đặc biệt, Tổng thống Lula da Silva có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam và tích cực ủng hộ quan hệ Việt Nam-Brazil.

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang theo những thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đến các quốc gia thành viên LHQ, Hoa Kỳ, Brazil, các đối tác và bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình, hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào các tiến trình hợp tác quốc tế; luôn sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

Qua đó cũng khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.

Nhân dân Việt Nam kỳ vọng và tin tưởng rằng, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác, bạn bè quốc tế tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân mỗi nước.