Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chất vấn nhiều nội dung về tài nguyên - môi trường

Thu Hoài 16:34, 04/06/2024

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 4-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường (TN-MT), tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh chịu trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nêu ý kiến chất vấn.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nêu ý kiến chất vấn.

Tham gia chất vấn, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục đối với các hồ, đập nhỏ được xây dựng từ những năm 1970-1980, hiện đã hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong số các hồ thủy lợi, có hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, do đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhưng việc sửa chữa, nâng cấp và cải tạo cũng cần nguồn lực rất lớn. Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, theo đó tập trung giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Công Thương cùng phối hợp để điều hòa, phân phối nguồn nước, đưa ra các kịch bản để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, đối với việc quản lý các hồ, đập, Bộ TN-MT sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ, đập, bảo đảm việc giữ nước, tích trữ nước, bảo đảm sản xuất bền vững…

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nêu ý kiến chất vấn.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nêu ý kiến chất vấn.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu đặt câu hỏi, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng có kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm như thế nào, đặc biệt là kiến nghị xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới để tăng cường công tác thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm này.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, qua 5 năm, Bộ TN-MT đã có 12 cuộc thanh tra, 40 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, các chủ dự án mỏ sai phạm về công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không bảo đảm điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bộ sẽ xử lý nghiêm, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý các vi phạm này.

Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN-MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý sớm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, bảo đảm không để xảy ra thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên.