Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng tôn giáo

Tùng Lâm 09:56, 01/07/2024

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành, với 51 chức sắc, hơn 1.760 chức việc, trên 134 nghìn tín đồ, người tin theo. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm tới công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên là người có tôn giáo; phát huy tốt vai trò cốt cán người có uy tín trong đồng bào tôn giáo.

Đoàn công tác của tỉnh chúc mừng Đại lễ Phật đản.
Đoàn công tác của tỉnh chúc mừng Đại lễ Phật đản.

Những năm qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở vùng tôn giáo thường xuyên được tỉnh coi trọng. Cấp ủy các cấp đã tập trung làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có trên 570 đảng viên là người có đạo.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho hay: Là địa phương có đông đồng bào Công giáo sinh sống (chiếm hơn 40% số dân), chúng tôi luôn quan tâm phát triển đảng viên là người có đạo. Nhiều đảng viên là người Công giáo luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương, thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào có đạo. Từ đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.

Đáng nói, từ chủ trương đúng đắn của tỉnh trong công tác chỉ đạo, việc xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, nhất là ở cấp cơ sở vùng có đông đồng bào tôn giáo được chú trọng. Thông qua việc tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng bộ máy và đội ngũ công chức, tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo (Thái Nguyên đang có 439 người làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã).

Ông Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh, cho biết: Tỉnh luôn quan tâm sắp xếp, bố trí người có đạo tham gia công tác trong cơ quan hành chính nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Thái Nguyên có 57 tín đồ tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xây dựng bộ máy chính quyền, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào tôn giáo.

Đồng bào Công giáo phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đồng bào Công giáo phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Từ thực tế cho thấy, trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, việc động viên, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo cũng đóng một vai trò quan trọng. Hiện nay, Thái Nguyên có 1.000 cốt cán phong trào trong tôn giáo. Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh, nhận định: Thời gian qua, vai trò của lực lượng cốt cán tôn giáo luôn được phát huy. Qua đó giúp chính quyền làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có tôn giáo để tập trung chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng” về vấn đề tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ phân công cán bộ thường xuyên đi cơ sở để trao đổi, động viên, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tổ chức, cá nhân các tôn giáo. Đồng thời vận động chức sắc, chức việc tôn giáo phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn tín đồ thực hiện tốt chính sách, pháp luật, tích cực đóng góp ý kiến, phản hồi các văn bản mang tính thống nhất, thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là thường xuyên thông tin các nội dung phát sinh với các cơ quan chính quyền để đề nghị hướng dẫn, phối hợp giúp đỡ và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, như Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Không dừng lại ở đó, công tác tiếp xúc, xây dựng, tăng cường mối quan hệ với tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn cũng được thực hiện thường xuyên thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị đối thoại, gặp mặt, chúc mừng nhân dịp lễ trọng...

Nổi bật trong năm 2023 là việc tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, thể thao tôn giáo lần thứ 2, thu hút hơn 600 đại biểu, tín đồ tôn giáo hưởng ứng tham gia. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chúc mừng 15 sự kiện quan trọng của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn (5 đoàn chúc mừng Lễ Giáng sinh, 5 đoàn chúc mừng Đại lễ Phật đản, lễ khởi công công trình tôn giáo…). Thông qua đó tăng cường mối quan hệ gắn bó, chia sẻ giữa các cơ quan thuộc hệ thống chính trị với tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo, góp phần thực hiện tốt chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh…