Kiên quyết đấu tranh với các hội, nhóm tôn giáo trái pháp luật

Tùng Lâm 10:16, 23/03/2024

Thái Nguyên hiện có 3 tôn giáo là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn khá ổn định, sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Các chức sắc, chức việc và người dân có đạo đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật đã tăng cường xâm nhập tuyên truyền, lôi kéo người dân  theo các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật có yếu tố “tà đạo” (tập trung chủ yếu ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Công an huyện Võ Nhai luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.
Công an huyện Võ Nhai luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.

Một trong những tổ chức, hội nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật phải kể đến là Ân điển cứu rỗi, tập trung chủ yếu trong cộng đồng người dân tộc Mông của tỉnh. Trong đó, xóm Đồng Giong, xã Phương Giao (Võ Nhai) được xem là điểm nóng với 10 hộ dân và 49 nhân khẩu tham gia. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật như: Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, Bà Cô Dợ, Đạo Bà Sính… với mục đích thu lợi bất chính. Ông Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh cho hay: Các hoạt động này đã tác động tiêu cực, ảnh hướng đến an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng cầm đầu đã truyền bá, lôi kéo người dân tin theo, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, lệch lạch về văn hóa, xâm hại đạo đức xã hội, gấy mất đoàn kết với các tôn giáo truyền thống. Không dừng lại đó, các hoạt động này còn tạo cơ hội cho các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền về tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng, ly khai nhằm chống chính quyền…

Nhằm kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm. Đơn cử, tại Võ Nhai, cuối năm 2022, lực lượng Công an huyện đã phối hợp với UBND xã Tràng Xá, Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) tổ chức tuyên truyền, vận động 4 trường hợp cam kết từ bỏ, không tin theo tổ chức Bà Cô Dợ. Đây là một tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật có yếu tố “tà đạo”, do một phụ nữ người dân tộc Mông sinh sống tại Mỹ đứng đầu và là người trực tiếp giảng các nội dung trong Kinh thánh Tân ước và Cựu ước cho các trường hợp tin theo.

Cùng với việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Ông Mai Tiến Nam, Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Võ Nhai) cho rằng: Công tác tuyên truyền đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, chúng tôi luôn phối hợp với chính quyền các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dễ bị lôi kéo, lợi dụng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ, không tin theo các hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến người dân. Đồng thời, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở vùng đồng bào có đạo; tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số vận động bà con không tham gia các tổ chức, hội nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật…

Thời gian qua, lực lượng nòng cốt là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động chức sắc, đồng bào có đạo chấp hành tốt các chủ trường của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tích cực vận động đồng bào có đạo tham gia vào các tổ chức đoàn thể và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.

Theo dự báo của các cấp, ngành chức năng, một số loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật có yếu tố “tà đạo” tại Thái Nguyên có thể sẽ phức tạp hơn trong thời gian tới. Theo đó, số lượng các tổ chức, hội, nhóm tự xưng, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục gia tăng, xâm nhập vào địa bàn tỉnh, sử dụng nhiều hình thức tinh vi, khó kiểm soát để thực hiện việc tuyên truyền, lôi kéo người tham gia. Bởi vậy, thường xuyên tuyên truyền nhân dân cảnh giác với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch xuyên tạc vấn đề nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, đặc biệt trên mạng xã hội… vẫn là một trong những giải pháp tối ưu nhất được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh.

Cùng với đó việc kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái phép, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo được các cấp, ngành chức năng tiếp tục tăng cường. Chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng Công an nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời hoạt động của các tổ chức tự xưng, tổ chức bất hợp pháp trên địa bàn…