Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thái Nguyên - Bài 1: Tôi có duyên với Thủ đô gió ngàn

Nhóm P.V 11:07, 20/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đảng viên cộng sản kiên trung đã từ trần. Bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước, trong đó có Thái Nguyên, tiếc thương vô hạn một nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam. Trọn cuộc đời đồng chí cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, đất nước và để lại tình cảm yêu thương sâu sắc trong lòng nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc với tỉnh Thái Nguyên ngày 10/1/2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc với tỉnh Thái Nguyên ngày 10/1/2023.

Thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vừa được công bố, không gian như lắng lại. Mỗi gia đình trên cả nước, cũng như Thái Nguyên, đều giữ sự yên tĩnh, dành những tình cảm sâu sắc nhất tưởng niệm người đứng đầu của Đảng. Trên mạng xã hội, màu đen, lời chia buồn sâu sắc ngập tràn trên các trang cá nhân. Những kỷ niệm của Tổng Bí thư với mỗi người dân Thái Nguyên lại ùa về, nhớ nhất là lời đồng chí Nguyễn Phú Trọng chia sẻ khi đến thăm Thái Nguyên năm 2023: Tôi có duyên với Thái Nguyên, vùng đất "Thủ đô gió ngàn".

Vị lãnh đạo giản dị, gần gũi

Nhận được thông tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), bần thần. Dù khoảng thời gian được gặp, trò chuyện với Tổng Bí thư không lâu, nhưng những dấu ấn sâu sắc về một vị lãnh đạo mộc mạc, giản dị, gần gũi vẫn vẹn nguyên trong bà. Bà Hảo xúc động nói: Dẫu biết ngày ấy rồi sẽ đến nhưng tôi và các thành viên Hợp tác xã vẫn không thể giấu được cảm xúc của mình khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Chúng tôi ngồi lặng bên nhau nhớ lại những lời căn dặn, tình cảm Tổng Bí thư dành cho Hợp tác xã.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đến thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên (ngày 10/1/2023).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, ngày 10/1/2023.

Cũng như bà Hảo, hàng triệu người dân Thái Nguyên đều xúc động, bồi hồi khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Mỗi người đều bằng cách riêng của mình thể hiện lòng thành kính, tiếc thương vô hạn trước sự ra đi mãi mãi của người đảng viên cộng sản kiên trung ấy.

Nhiều tài khoản mạng xã hội đổi nền đen, gửi những lời chia buồn sâu sắc nhất, chia sẻ cảm xúc, hình ảnh, những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cái quý nhất trên đời là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn bị mọi người khinh bỉ. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân".

Hai lần duyên thắm

Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kỷ niệm, tình cảm đồng chí dành cho Thái Nguyên lại ùa về trong mỗi người. Trong cuộc đời của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều sự quan tâm đến Thái Nguyên. Tại chuyến công tác dẫn đầu Đoàn Trung ương đến thăm và làm việc tại Thái Nguyên ngày 10/1/2023, đồng chí chia sẻ: Tôi có duyên với Thái Nguyên từ ngày xưa, được hít thở không khí, được đồng bào ở đây nuôi dưỡng và không khí ấy đã nhiễm vào người tôi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi thăm và làm việc tại Thái Nguyên ngày 10/1/2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc làm việc với tập thể lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ngày 10/1/2023.

Phát biểu tại buổi làm việc hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể về "mối duyên" với Thái Nguyên từ thuở còn thơ. ...Đó là vào năm 1947, khi toàn quốc kháng chiến, tôi được gia đình cho lên Thái Nguyên tản cư ở Phổ Yên - nơi mà tôi vừa đến thăm. Khi đó tôi mới có mấy tuổi, mẹ gánh tôi ngồi 1 thúng, chị tôi ngồi 1 thúng. Gánh từ quê tôi đi bộ lên đây sơ tán trong suốt mấy năm. Đến năm 1949 mới hồi hương..., Tổng Bí thư kể.

Mối duyên thứ 2 với Thái Nguyên của Tổng Bí thư là lúc đang học Đại học Tổng hợp, thời điểm đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc. Khoảng từ năm 1965 đến năm 1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang rất ác liệt. Thực hiện nhiệm vụ ở lại hậu phương, tiếp tục học tập, chuẩn bị tri thức phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội luôn nêu cao quyết tâm dạy tốt và học tốt.

Nhiều lần thăm Thái Nguyên

Sau này, trên các cương vị khác nhau, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên Thái Nguyên thăm các di tích lịch sử, văn hóa và cũng nhiều lần viết về Thái Nguyên. Nhân dân Thái Nguyên còn nhớ chuyến công tác của đồng chí Nguyễn Phú Trọng vào ngày 30/12/2009. Lúc đó, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí về thăm và làm việc tại xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ, để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Đồng chí đã đến thăm và nắm tình hình thực tiễn tại Hợp tác xã nấm Hùng Sơn; mô hình kinh tế hộ của gia đình anh Nguyễn Văn Sinh; cơ sở chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung của chị Đỗ Thị Thúy... trên địa bàn huyện Đại Từ. Sau đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác tới thăm Nhà máy Luyện gang, Nhà máy Luyện thép Lưu Xá và Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên).

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (ngày 30/12/2009).
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, ngày 30/12/2009.
Ngày 30/12/2009, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (trên cương vị Chủ tịch Quốc hội) thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thái (đồng bào Công giáo), một hộ chăn nuôi lợn tiêu biểu ở xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ.
Cùng ngày 30/12/2009, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thái (đồng bào Công giáo), một hộ chăn nuôi lợn tiêu biểu ở xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ.

Tại một chuyến công tác khác, về huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên) ngày 9/11/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Phổ Yên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Ðảng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI; dự Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư xóm Thanh Xuyên 4, xã Trung Thành.

Gần đây nhất, ngày 10/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã làm việc với tập thể lãnh đạo tỉnh về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; đến thăm, tặng quà, chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Trung Lựu, sinh năm 1927, là cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, đã được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, ở phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên); thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Nhân dân Thái Nguyên đều nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với hình ảnh một vị lãnh đạo ân cần, giản dị, tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào. Đồng chí luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; thể hiện sự đức độ, trí tuệ, lối sống giản dị, khiêm nhường, chân thành và tinh thần làm việc quyết liệt, không biết mệt mỏi.

Dấu ấn với công trình đặc biệt

Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trải qua nhiều vị trí công tác, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong đó, từ tháng 1-2000 đến tháng 6-2006, đồng chí giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây cũng là khoảng thời gian xây dựng, khánh thành công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa) - khu vực trung tâm của ATK kháng chiến.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa).
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa).

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng đồng bào Thái Nguyên như một sự tri ân với vùng đất ATK đã che chở Trung ương Đảng, Chính phủ suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Được khánh thành ngày 19/5/2005, đúng dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ, công trình mang tầm vóc Quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Công trình ngày càng phát huy giá trị, là địa điểm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, cán bộ, nhân dân cả nước và du khách quốc tế đến thắp hương tưởng nhớ Bác và trồng những cây lưu niệm quý trong khuôn viên Nhà tưởng niệm...

Những lần về thăm Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo, căn dặn, giúp tỉnh xây dựng, phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Báo Thái Nguyên sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo.

(Còn nữa)