Trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của con người và việc phát huy mọi tiềm năng, thúc đẩy quá trình sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân. Chúng ta thấy rõ những điều này trong Di chúc của Người và đã tích cực thực hiện những điều Người căn dặn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng đất nước.
Mục tiêu chăm lo, phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới được chú trọng đưa vào nhiều Nghị quyết của Đảng và đôn đốc triển khai trong thực tiễn. (Ảnh THẾ ĐẠI) |
Khái niệm nhân tố con người gắn chặt với khái niệm nhân tố chủ quan, đặc trưng cho sự hoạt động tích cực, có ý thức của các cá nhân, các nhóm xã hội nhằm đạt được một mục tiêu nào đó. Nói tới nhân tố con người chính là nói tới con người với tính cách là một thực thể hoạt động, là chủ thể cải tạo thế giới chung quanh, cải tạo các quan hệ xã hội.
Nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí vai trò của nhân tố con người và tích cực hóa nhân tố con người nhằm phát huy mọi nguồn tiềm năng của nhân tố này trong quá trình xây dựng xã hội là điều có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy quá trình sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân. Trong những hoạt động thực tiễn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức và giải quyết vấn đề này một cách sáng tạo, phù hợp với những điều kiện xã hội Việt Nam và đã có nhiều thành công.
Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh nổi lên với vai trò chủ thể sáng tạo của cách mạng, là động lực đồng thời là mục tiêu của cách mạng. Trong mọi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ phải biết phát huy tính chủ động sáng tạo của nhân dân để giải quyết các nhiệm vụ cách mạng. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong là câu Người nhắc mỗi cán bộ cần tâm niệm trước khi tiến hành công việc. Đó cũng là bài học thành công được rút ra từ những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 94 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi công việc cách mạng đều gắn chặt với nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Người nhấn mạnh: "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân"(1). Nhiều lần, Người nhắc lại tinh thần đó và trước lúc đi xa Người vẫn căn dặn Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...
Trong những dòng cuối cùng để lại cho chúng ta, Người viết: "Đầu tiên là công việc đối với con người"(2), và "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng"(3). Trong lần bổ sung Di chúc tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết riêng một đoạn về công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó Người nêu lên những chính sách với nhiều tầng lớp xã hội. Người chỉ ra những công việc chủ yếu, mấu chốt khi ban hành các chính sách xã hội hướng đến các tầng lớp xã hội - với các thương binh, liệt sĩ, với những gia đình chính sách, với những thanh niên đã qua thử thách chiến tranh và đã tỏ ra dũng cảm, với phụ nữ, với nông dân... Cả với "những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v...", Người vẫn quan tâm căn dặn: "Thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện"(4).
Trong Di chúc, với những căn dặn cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc phải bảo đảm lợi ích của từng nhóm xã hội một cách thiết thực. Những lợi ích được phát triển hài hòa sẽ cùng thúc đẩy đất nước phát triển, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội. Những lợi ích thực tế mà chế độ xã hội mới mang lại cho mỗi người dân chính là tác nhân kích thích nhân tố con người, có tác dụng quyết định trong việc khuyến khích, động viên nguồn lực con người cho công cuộc tái thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc.
Cũng trong Di chúc, một lần nữa Người nhấn mạnh vai trò, sức mạnh và năng lực sáng tạo của lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo: "Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"(5).
Đại hội XIII của Đảng xác định: "Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển"(6). Đại hội XIII cũng yêu cầu: "Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng"(7).
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ những phẩm chất cần đạt đến trong tương lai của con người Việt Nam "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo".
Trong những nhiệm kỳ gần đây, những mục tiêu chăm lo phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới đã được Đảng đưa vào nhiều Nghị quyết và đôn đốc triển khai thực hiện trong thực tiễn. Sau gần 40 năm đổi mới, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2023). Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng nhanh trong những năm gần đây và Việt Nam đã thuộc nhóm cao của thế giới. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng.
Cùng với đó là những chương trình lớn và các chính sách đầu tư chăm lo cho con người: Phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tổ chức các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm đều khoảng 1,5% - giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 xuống chỉ còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.
Các dịch vụ xã hội cơ bản đã ngày càng cải thiện, người dân có khả năng tiếp cận và thụ hưởng. Các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn. An sinh xã hội được chăm lo, chất lượng cuộc sống được nâng dần từng bước. Những tiến bộ đó đã được ghi nhận.
Chúng ta tiếp tục xây dựng hoàn thiện con người, tiếp tục tích cực hóa nhân tố con người để phát huy những tiềm năng của con người Việt Nam trong thời đại mới để "khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc... và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc"(8) như Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu. Thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đó cũng là tiếp tục hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và làm đúng những lời căn dặn trong Di chúc về "công việc đối với con người".
-----------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập-Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 518.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 616.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 613.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 617.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 617.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.81.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 2, tr. 117 - 128.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr. 34.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin