Thời gian qua, không ít thông tin xấu, độc (thông tin sai trái, không đúng sự thật) trên không gian mạng đã ảnh hưởng tiêu cực tới dư luận xã hội, đến tư tưởng, lối sống, hành động của không ít người; đồng thời xâm phạm đến lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân. Thực tế này đòi hỏi mỗi công dân khi tham gia mạng xã hội (MXH) cần tỉnh táo nhận diện thông tin. Với cán bộ, đảng viên, trách nhiệm khi tham gia MXH phải là “người lính xung kích” trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Công an các phường, xã của TP. Thái Nguyên đã lập 401 nhóm Zalo phòng chống tội phạm tại 401 tổ dân phố, xóm trên địa bàn để kịp thời tiếp nhận, cung cấp các nội dung tuyên truyền. |
Tỉnh táo sàng lọc thông tin
Theo thống kê của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh: Trong 8 tháng năm 2023, các lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, tiến hành đấu tranh làm rõ, phối hợp xử lý 21 vụ/22 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu là “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Lực lượng chức năng cũng tiến hành gọi hỏi, kiểm điểm, xử lý răn đe 4 trường hợp về hành vi đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin có nội dung xấu, độc, dễ gây hiểu nhầm cho người tiếp cận, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước trên MXH.
Điển hình là ngày 17/5/2023, anh V.V.T., sinh năm 1986, ở tổ 10, phường Gia Sàng, bị Công an TP. Thái Nguyên xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật".
Theo kết quả xác minh của cơ quan Công an: Nhằm mục đích câu view bán hàng (anh T. đang kinh doanh nội thất, đồ chơi ô tô), ngày 6 và 7/5/2023, anh T. đã bình luận bài viết về kết quả thi viên chức giáo dục TP. Thái Nguyên trên Facebook, thông tin có người nhà tham gia thi tuyển “chạy” tiền nhưng vẫn trượt.
Quá trình làm việc với lực lượng chức năng, anh T. thừa nhận hành vi sai phạm của mình, đồng thời gỡ bỏ nội dung thông tin không đúng sự thật và cam kết không tái phạm.
Mới nhất là ngày 25/8/2023, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt hành chính, mức phạt 7,5 triệu đồng với ông T.Q.H., sinh năm 1968, ở tổ 15, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của các cá nhân”.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng: Do bức xúc khi va chạm giao thông với chị H.T.Đ., sinh năm 1988, ở phường Tân Thịnh, ông T.Q.H. đã sử dụng hình ảnh của chị H.T.Đ. khi chưa được sự đồng ý của chị, rồi biên tập, cắt ghép với nội dung không đúng sự thật, sau đó đăng tải trên Tiktok, Youtube, Facebook, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm chị Đ.
Trường hợp của V.V.T và T.Q.H. nói trên là bài học kinh nghiệm cho mỗi công dân khi tham gia MXH, cần chấp hành các quy định của pháp luật, tuyệt đối không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng.
Kết quả xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thông tin điện tử trên MXH của riêng Sở Thông tin và Truyền thông: Giai đoạn 2021-2023, Thanh tra Sở đã xử phạt 12 trường hợp, mức phạt từ 5-7,5 triệu đồng/trường hợp vi phạm về: Cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Vì không nhận thức được các quy định của pháp luật trong việc cung cấp, đăng tải, chia sẻ thông tin trên MXH nên một số người đã vi phạm.
Hồ sơ của cơ quan chức năng thể hiện, phần nhiều các trường hợp bị xử lý do bức xúc cá nhân, hoặc muốn câu like trên MXH nên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật.
Thực tế cho thấy, với lượng thông tin “ngồn ngộn” mỗi ngày trên MXH hiện nay, rất nhiều thông tin xấu, độc đã ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, gây hiểu lầm, hoang mang dư luận. Đồng thời là cơ hội để tội phạm công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nguy hiểm hơn là có thông tin ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Chia sẻ về trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia MXH, đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Hành động có trách nhiệm trên không gian mạng là cách mỗi cá nhân, tổ chức tự bảo vệ mình và thực hiện đúng quy định của pháp luật, với các nguyên tắc: Nắm rõ Luật An ninh mạng, trang bị kỹ năng để nhận diện thông tin xấu, độc trên MXH; tôn trọng suy nghĩ, quyền riêng tư của bản thân và của người khác; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện tin giả, sai sự thật.
Mỗi công dân khi tham gia MXH cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm để tỉnh táo tiếp nhận, sàng lọc thông tin. |
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Trước sự phát triển mạnh như vũ bão của công nghệ thông tin, những thông tin xấu, độc trên không gian mạng thường được các đối tượng xấu dùng để chống phá Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận.
Do vậy, để đáp ứng công tác tuyên truyền trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong mặt trận này.
Nhìn chung, thời gian qua đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ vững và phát huy được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị khi tham gia MXH. Tận dụng ưu thế của môi trường Internet, MXH, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước; đồng thời chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu, độc, kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.
Thượng tá Triệu Xuân Hiếu, Phó Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh: Mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia MXH cần tìm hiểu, nắm rõ Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhất là Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, MXH; tránh trở thành người đưa tin sai sự thật và phải chịu hậu quả pháp lý. |
Đảng bộ TP. Thái Nguyên là đơn vị thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Với số đảng viên đông (trên 28 nghìn đảng viên, chiếm gần 1/3 số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh), Ban Chỉ đạo 35 thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm, củng cố, duy trì hiệu quả hoạt động các trang web, nhóm Zalo, Fanpage trên MXH; phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền trên không gian mạng.
Ngoài tăng cường chia sẻ những thông tin chính thống, tích cực, các lực lượng cũng đã kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng chí Hà Huy Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Thái Nguyên, cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trên không gian mạng, Đảng bộ thành phố đã kịp thời định hướng thông tin dư luận trước các sự kiện chính trị, những vấn đề nhạy cảm, nhất là về an ninh trật tự. Đồng thời tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Không riêng tại Đảng bộ TP. Thái Nguyên, các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên MXH. Như ở Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh, nơi tập trung đông cán bộ, đảng viên làm trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh,… công tác này đã được triển khai bài bản, hiệu quả.
Đồng chí Hoàng Anh Trung, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh, cho biết: Cơ bản cán bộ, đảng viên của Đảng bộ đều sử dụng MXH hàng ngày. Vì vậy, Đảng uỷ Khối yêu cầu cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng trước những thông tin xấu, độc, thực hiện tốt việc nêu gương trong mỗi vị trí công tác của mình. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận diện và có thái độ đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cô giáo Khổng Thị Hiếu, Trường THCS thị trấn Đu (Phú Lương): Khi tham gia MXH, bản thân tôi luôn có ý thức tìm hiểu và tiếp nhận những thông tin chính thống; chia sẻ, lan toả những thông tin tích cực với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. |
Ðể phát huy những mặt tích cực cũng như khắc phục, đẩy lùi và ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng, mỗi công dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn, tinh thần tự chịu trách nhiệm khi cung cấp, phát tán, đăng tải thông tin của cá nhân và những quy tắc ứng xử trên MXH.
Làm được điều này là chúng ta đã góp phần chung tay xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trên không gian mạng, tiếp tục xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách thiết thực, hiệu quả.
Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021, nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng MXH gồm: Thứ nhất, quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thứ hai, quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thứ ba, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn, bảo mật thông tin. Thứ tư, quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin