Nhớ lại hình ảnh Trung úy Đào Mạnh Hà, y sĩ Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 91 trong chuyến công tác Trường Sa năm 2019 tại đảo Sơn Ca và so sánh với hình ảnh hiện tại, khi được viết về “em” - một trong 10 gương mặt trẻ Thái Nguyên tiêu biểu năm 2021, lòng tôi dâng trào niềm xúc động khó tả. Em - một chiến sĩ Trường Sa tôi biết, với nụ cười vô tư, dễ mến, để lộ chiếc răng khểnh như một dấu ấn riêng khiến người đối diện luôn thấy thiện cảm đã làm tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác.
Cơ duyên từ… trượt đại học
Sinh năm 1990, vì thi trượt đại học nên Đào Mạnh Hà đã làm đơn xin đi lính nghĩa vụ. Thời gian trong quân đội, nhờ tính cẩn thận, trách nhiệm và luôn hết mình vì nhiệm vụ, em đã được thủ trưởng đơn vị cử đi học Trường Trung cấp Quân y I (nay là Trường Cao đẳng Hậu cần, thuộc Tổng cục Hậu Cần). Trong thời gian học tập, Hà luôn nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn. Đến năm 2013, sau khi ra trường, em được phân công về nhận công tác tại Bệnh viện Quân y 91.
3 năm sau, chàng chiến sĩ quân y viết đơn tình nguyện xin đi đơn vị 1 năm. Với người lính, việc này được hiểu là tham gia đóng quân, thực hiện diễn tập trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, phải ngủ trại, đi rừng và có sự độc lập cao về chuyên môn… Không quản ngại khó khăn, vất vả, đến đầu năm 2018, y sĩ Đào Mạnh Hà lại viết đơn tình nguyện ra đảo Sơn Ca, thuộc quần đảo Trường Sa công tác. Đây là hòn đảo mà theo phân công của Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân y 91 và Bệnh viện Quân y 110 - hai bệnh viện tuyến Quân khu, luân phiên nhau cử tổ quân y (gồm 1 bác sĩ, 3 y sĩ) ra làm nhiệm vụ.
Khi đó, cậu con trai đầu lòng của chàng trung úy trẻ mới 4 tháng tuổi. Gần đây nhất, tháng 8-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, trong khi tâm lý của phần lớn người dân đều rất hoang mang, lo sợ, thì y sĩ Đào Mạnh Hà một lần nữa lại viết đơn tình nguyện xin tham gia chống dịch tại tỉnh Bình Dương và đã cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ tại đây trong 3 tháng…
Tuổi trẻ, chiến sĩ phải thế
- Điều gì khiến một chàng trai trẻ như em có thể đưa ra những quyết định đầy ý nghĩa đó? Tôi thắc mắc.
Hà mộc mạc chia sẻ: Em là người lính Cụ Hồ, cũng là một đoàn viên và đang thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc. Chỉ cần lấy cương vị của một trong số đó thì trách nhiệm của em cũng đã đủ lớn. Trong khi đó, mình lại có cả 3 "vai" nên em nghĩ, bản thân càng cần cố gắng hơn.
Y sĩ Đào Mạnh Hà giới thiệu về máy rửa tay sát khuẩn tự động để phòng, chống dịch COVID-19 do mình và các đồng nghiệp sáng chế.
Có lẽ, chính bởi những suy nghĩ đó nên khi trò chuyện về những công việc đang làm và cả những gian nan, thử thách đã qua, Hà không một lần nhắc với chúng rôi về những từ vất vả, mệt mỏi... Kể cả khi nói về 15 tháng ở trên đảo Sơn Ca, em cũng chỉ nhớ tới những điều tốt đẹp nhất, về tình cảm thương yêu, gắn bó giữa những người lính đảo; về tình cảm, sự quan tâm của cấp trên, của cấp ủy, chính quyền tỉnh Khánh Hòa…
Tự hào về đồng nghiệp
Ở cương vị công tác nào, Đào Mạnh Hà cũng luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong ứng xử với đồng nghiệp, bệnh nhân, trung úy trẻ luôn giữ thái độ đúng mực, thân thiện, gần gũi, ham học hỏi, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.
"Ngoài công tác chuyên môn, đồng chí Hà còn là Phó Bí thư Chi Đoàn Thanh niên nhiệt huyết. Đồng chí cũng rất chịu khó mày mò, nghiên cứu và đã chủ trì sáng chế thành công máy rửa tay sát khuẩn tự động để phòng, chống dịch COVID-19, được triển khai ứng dụng tại Bệnh viện và một số đơn vị thuộc Quân khu…" - Đó là những lời chia sẻ của Thiếu tá Lê Đình Thọ, Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện Quân y 91 và Thiếu tá Đặng Văn Tiến, Bác sĩ chuyên khoa 1, quyền Trưởng khoa Nội Tiêu hóa khi nhận xét về cấp dưới, đồng nghiệp Đào Mạnh Hà.
Ngoài ra, với niềm đam mê đối với các thiết bị điện tử, chàng y sĩ trẻ còn tự chế cho mình nhiều đồ dùng hữu ích khác, như chiếc sạc điện thoại, quạt tích điện dùng liên tục trong 4 giờ…
Với những nỗ lực không ngừng, y sĩ, trung úy chuyên nghiệp Đào Mạnh Hà đã vinh dự được các cấp, ngành, đơn vị biểu dương, khen thưởng. Riêng năm 2021, Đào Mạnh Hà nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Thái Nguyên, UBND tỉnh Bình Dương; được Chính ủy Tổng cục Hậu cần tặng danh hiệu Cán bộ đoàn xuất sắc tiêu biểu… Và nói như Thiếu tá Đặng Văn Tiến: “Cậu ấy thực sự là một tấm gương tiêu biểu, mà có nhiều điều, chúng tôi cũng phải học...".
Còn với Trung úy, y sĩ Đào Mạnh Hà, anh cho biết: Em vẫn muốn trở lại Trường Sa công tác thêm một lần nữa và được học thêm để trở thành bác sĩ. Bất cứ khi nào Tổ quốc cần, em đều sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.