Năm 1975, tôi dự thi và đủ điểm vào học Trường phổ thông cấp III Lương Ngọc Quyến, một ngôi trường khang thang bề thế tại thành phố Thái Nguyên. Trong niềm vui non sông liền một dải, tôi và bạn bè tự hào mình là lứa học sinh đầu tiên của Trường sau ngày đất nước thống nhất.
Học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến trong một giờ học. Ảnh tư liệu |
Ngày đầu tiên làm xong các thủ tục nhập học và được phân vào lớp 10C do cô Lê Nga, giáo viên Địa lý, làm chủ nhiệm, chúng tôi theo cô tới Phòng truyền thống Nhà trường. Nghe cô giới thiệu, chúng tôi bất ngờ khi được biết Trường thành lập năm 1946. Từ ngôi trường này, rất nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, trong đó có không ít người trở thành nhà khoa học nổi tiếng, hay nắm giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, trong những năm 1952 - 1965, Nhà trường còn là nơi nuôi dạy hàng trăm con em của nhân dân các bộ tộc Lào sống và học tập tại Thái Nguyên.
Khác với hệ 12/12 hiện nay, thời đó, chúng tôi vào lớp 10 ai cũng ít tuổi hơn đôi chút, người gầy nhỏ lẻo khẻo, cô giáo phải dạy bảo từng ly từng tý trong ứng xử và mọi nền nếp sinh hoạt, học tập. Trường mới, tập thể lớp phần lớn là những gương mặt mới, nhưng chỉ sau vài hôm, chúng tôi đã thân thiết như chơi với nhau từ lâu rồi.
Bằng tình yêu và sự tâm huyết, các thầy cô giáo luôn hết lòng vì học sinh, cả lớp tự giác học tập. Các giờ lên lớp, thầy, cô giáo giảng dạy cặn kẽ, chỉ bảo tận tình, học sinh hiểu bài ngay trên lớp, không phải học thêm. Bài tập về nhà theo đúng nội dung vừa học nên cũng nhẹ nhàng, chúng tôi có thời gian vui chơi thoải mái.
Thời kỳ đó, kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn bởi hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh, lại chịu sự bao vây cấm vận của Mỹ. Nhà trường tổ chức cho học sinh chung tay với chính quyền địa phương hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế.
Nhiều ngày, Trường tổ chức cho học sinh vào Khe Mo, Phúc Trìu cuốc đất trồng sắn và giao lại diện tích đã trồng cho xã. Toàn Trường còn tham gia đào kênh mương thủy lợi hồ Núi Cốc, kênh tưới tiêu từ sông Cầu vào cánh đồng xóm Đồng Tâm, xã Đồng Bẩm. Trên công trình hồ Núi Cốc, những ngày đào mương, lớp 10C chúng tôi được bố trí ngủ nghỉ, sinh hoạt tại khu kho hợp tác xã và tự nấu ăn. Dạo ấy đang mùa trăng, trăng tãi lênh lang làm núi rừng đêm huyền ảo đẹp như bức tranh thủy mặc. Cả lớp trải chiếu nằm kề nhau trên sân kho hát hò đến khuya rồi lăn ra ngủ.
Thời gian Bệnh viên Đa khoa Thái Nguyên cần sửa chữa, nâng cấp, lớp chúng tôi tham gia lao động phát dọn cỏ, đào rãnh thoát nước, theo xe xuống Phổ Yên bốc gạch. Cả lớp ngồi trên thùng mấy chiếc xe chất đầy gạch hò hét vang trời.
Để xây dựng các nguồn quỹ của lớp và Nhà trường, cũng tại Bệnh viện này, chúng tôi còn nhận đào móng xây nhà Khoa Nội và sang Núi Voi chở gạch lát sân. Không có xe cải tiến, chúng tôi phải vận chuyển bằng xe đạp, cố gắng lắm mỗi chuyến cũng chỉ đèo được 5 viên.
Tôi nhớ nhất chuyện lớp tôi nuôi lợn. Chả là Nhà trường có khu chuồng trại cũ bỏ không giao mỗi lớp một ngăn tăng gia chăn nuôi. Chúng tôi mua một con lợn nhỏ thay nhau chăn. Hàng ngày, lớp phân công nhau mang củi, thân cây chuối, rau lang nấu cám chăn lợn. Dịp nghỉ hè, hàng ngày hai bạn nam nữ thành một cặp tới Trường để chăn, con lợn của lớp tôi nuôi cả năm cũng chỉ ngót một tạ. Lớp vừa họp bàn mua hẳn hai con cho bõ chăn thì Nhà trường quyết định phá dỡ chuồng trại xây dựng vườn thuốc Nam, ý định nuôi lợn tiếp theo bị hủy bỏ.
Nhiều lần, cả lớp hoặc từng nhóm bạn ngoài giờ học rủ nhau ra chơi tại Vườn hoa Sông Cầu, đi xem phim tại Rạp chiếu bóng Nhân Dân, xem biểu diễn nghệ thuật tại rạp ngoài trời. Chuỗi những hoạt động tập thể theo nhóm, lớp và phối hợp giữa các lớp luôn được Nhà trường khích lệ. Nhớ lại, tôi càng thấy biết bao ý nghĩa.
Trường Lương Ngọc Quyến đã cho chúng tôi nhiều tình bạn đẹp, ra trường bè bạn sinh sống khắp muôn nơi, gặp nhau chúng tôi luôn nhắc lại năm tháng ấy. Mỗi lần về tụ họp, chứng kiến sự đổi thay của mái trường từng học tập năm xưa, chúng tôi không nén nổi xúc động và tự hào.
Với bề dày truyền thống, Nhà trường luôn nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu qủa giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất. Năm 2000, Trường Lương Ngọc Quyến vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi vẫn luôn mang trong mình bao kỷ niệm và những tình cảm tốt đẹp về mái trường Lương Ngọc Quyến. Miền ký ức luôn lắng đọng như con chữ nhỏ bé thầy cô dạy và thắp lên những “ngày nắng” trong trái tim mỗi học trò.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin