Bên kia sông Cầu

Trần Quyền 16:54, 02/09/2022

Từ trung tâm TP. Thái Nguyên, nói “bên kia sông” thường là nhắc đến các xã, phường: Cao Ngạn, Đồng Bẩm, Chùa Hang, Linh Sơn, Huống Thượng. Trong đó, địa phương có hình dạng địa giới đặc biệt nhất là phường Đồng Bẩm, bởi “bán đảo” có diện tích tự nhiên 4,01km2 này gần như nằm trọn trong một khúc cua hình chữ U dài khoảng 5km của sông Cầu.

Cầu Bến Tượng kết nối phường Đồng Bẩm với trung tâm TP. Thái Nguyên qua sông Cầu. Ảnh: Nguyên Ngọc.
Cầu Bến Tượng kết nối phường Đồng Bẩm với trung tâm TP. Thái Nguyên qua sông Cầu. Ảnh: Nguyên Ngọc.

Dòng sông như dải lụa xanh mềm mại, chảy đến đây bỗng “ngẫu hứng” vẽ một vòng cung rồi miệt mài chở phù sa bồi đắp lên đó. Không phụ sự ưu ái của “Mẹ thiên nhiên”, Đồng Bẩm – vùng đất giầu truyền thống lịch sử và văn hóa đang vươn lên từng ngày, khẳng định vị thế của một phường nội thị, một tâm điểm đô thị hóa của thành phố tuổi 60.

Phần lớn diện tích Đồng Bẩm là đất phù sa cổ do sông Cầu và suối Mo Linh vun bồi, dân cư quần tụ thành xóm làng từ lâu đời (thời Lê Sơ – thế kỷ XV trở về trước). Quá trình hình thành, phát triển và những thăng trầm của vùng đất này gắn liền với sông Cầu như một lẽ tự nhiên, con sông cũng là chứng tích lịch sử bởi đã “ghi chép” lại tất thảy những gì đã diễn ra ở đây: Đất Đồng Bẩm ngày nay là một phần đoạn đường tháo chạy lên phía Bắc của đạo quân nhà Tống xâm lược ở thế kỷ X, trước sự truy kích của quân dân ta do vua Lê Đại Hành trực tiếp chỉ huy; Là một phần chiến trường nơi quân dân ta chặn đánh quyết liệt đội quân Tống xâm lược lần thứ 2 (thế kỷ XI), khiến chúng không thể vượt qua sông Cầu để tiến xuống Thăng Long; Nơi Uy vương Mạc Kính Dụng (nhà Mạc) cho đắp thành lũy để kháng cự quân nhà Lê (cuối thế kỷ XVI).

Thời kỳ Pháp thuộc, tại đây có đồn điền do chính quyền thực dân cấp đất cho các nhà tư bản Pháp thành lập, chúng thông qua đó để ra sức bóc lột người dân trong vùng; Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đồng Bẩm từng là nơi có hơn 400 tên giặc chiếm đóng, được chúng lấy làm “bàn đạp” để vượt sông Cầu đánh chiếm thị xã Thái Nguyên; Sân bay Đồng Bẩm là nơi trao đổi tù binh giữa ta và Pháp vào năm 1951…

Đặc biệt hơn, nói đến Đồng Bẩm không thể không nhắc đến cầu Gia Bẩy (bắc qua sông Cầu sang phường Hoàng Văn Thụ, khu trung tâm của TP. Thái Nguyên). Cầu do thực dân Pháp xây dựng năm 1928, đầu cầu phía Đồng Bẩm là điểm đầu của Quốc lộ 1B. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, quân và dân ta (trong đó có tự vệ và nhân dân xã Đồng Bẩm) đã phá hủy cầu, tạm cắt đứt tuyến đường vận tải quan trọng, đến năm 1955 cầu được xây dựng lại. Trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, cầu Gia Bẩy là một trong những trọng điểm hứng chịu bom đạn địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ cây cầu chiến lược này.

Năm 2018, cầu Bến Tượng (cũng nối Đồng Bẩm với trung tâm TP. Thái Nguyên) được khánh thành, nằm đúng vị trí ngầm Bến Tượng năm xưa, nơi cũng từng bị máy bay Mỹ nhắm tới nhiều lần trong những cuộc dội bom điên cuồng xuống Thành phố Thép…

Dòng nước sông Cầu trôi không ngừng nghỉ, nhưng ở khúc cua tạo ra mảnh đất Đồng Bẩm, nó như muốn lắng lại rồi có chút “hoài niệm”, “lưu luyến” trước khi tiếp tục hành trình của mình. Ở đó có biết bao biến cố lịch sử hào hùng và bi tráng đã diễn ra, nhắc nhở những công dân Đồng Bẩm nói riêng, của Thành phố Thép Anh hùng nói chung, biết trân trọng và tự hào về quá khứ để tiếp bước đến tương lai rộng mở.

Đồng Bẩm không chỉ được biết đến là mảnh đất giầu truyền thống lịch sử - văn hóa (nơi từng có và đang có những công trình văn hóa - tâm linh nhiều giá trị như: Văn miếu – đền Khải Thánh, đình Văn Thánh, đình Đồng Giang, đình, đền Đồng Tâm, đền Kim Sơn (đền Gốc Sấu), đình Làng Đông…), mà còn là vựa rau màu có tiếng từ nhiều đời nay. Với trình độ thâm canh cao và đức tính cần cù vốn có, họ “không cho đất nghỉ”, nâng niu, chắt chiu từng hạt phù sa để mùa nào thức nấy làm ra nhiều loại rau, củ, quả cung cấp cho thị trường thành phố và các khu công nghiệp.

“Bức tranh” Đồng Bẩm đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: Trần Quyền
“Bức tranh” Đồng Bẩm đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: Trần Quyền

Đất Đồng Bẩm xưa vốn thuộc huyện Đồng Hỷ. Ngay sau khi TP. Thái Nguyên được thành lập năm 1962, Đồng Bẩm và 5 xã khác cùng huyện là: Túc Duyên, Gia Sàng, Đồng Quang, Quang Vinh và Cam Giá được sáp nhập về TP. Thái Nguyên. Đến năm 1985, xã Đồng Bẩm cùng với phường Chiến Thắng và thị trấn Núi Voi (nay là phường Chùa Hang) lại được sáp nhập vào huyện Đồng Hỷ, trở thành khu trung tâm hành chính mới của huyện.

Năm 2008, Đồng Bẩm một lần nữa “trở về” TP. Thái Nguyên và 9 năm sau, đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập thành phố (tháng 10-2017), Đồng Bẩm từ một xã ngoại vi được công bố Quyết định trở thành phường. Khi Quy hoạch chung của TP. Thái Nguyên được phê duyệt điều chỉnh, sông Cầu trở thành trục không gian phát triển đô thị thì Đồng Bẩm tiến gần hơn tới vị trí của một phường trung tâm thành phố…

Cùng với 2 cây cầu quan trọng bậc nhất thành phố, hệ thống giao thông trên địa bàn phường Đồng Bẩm những năm gần đây không ngừng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Những dự án khu đô thị, khu dân cư không ngừng mọc lên như: Khu liên hợp trung tâm hội chợ, xúc tiến thương mại kết hợp nhà ở cao cấp Picenza; Khu nhà ở HUD; các khu dân cư tại tổ dân phố Tân Thành, Nhị Hòa… giúp diện mạo đô thị của phường ngày càng khang trang, hiện đại, lĩnh vực thương mại phát triển và dân số cơ học tăng nhanh. Kinh tế của phường đang tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tiểu thu công nghiệp (giá trị sản xuất đạt trên 200 tỷ đồng/năm); nhiều tổ dân phố không còn hộ nghèo…

Hiện tại, nhiều khu vực tại Đồng Bẩm là những công trường nhộn nhịp: Cầu Mo Linh 1, Mo Linh 2 đang trong giai đoạn hoàn thành; các hạng mục khác của Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên trên địa bàn như tuyến đường động lực và các khu dân cư, khu đô thị đi kèm cũng ở giai đoạn thi công “nước rút”… Đồng Bẩm đang vươn lên mạnh mẽ từ việc phát huy lợi thế vị trí địa lý không nhiều nơi có được, từ chủ trương phù hợp và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ sự đồng thuận và khát vọng của người dân nơi đây.

Nước sông Cầu vẫn miệt mài trôi chảy. Cây cầu Gia Bẩy gần 100 tuổi không chỉ là một huyết mạch giao thông mà còn như gạch nối giữa lịch sử và hiện tại, truyền thống và hiện đại, chứng kiến mảnh đất Đồng Bẩm khởi sắc từng ngày, đóng góp vào “bức tranh” đô thị TP. Thái Nguyên tươi sáng…