Ở một nơi chứa nhiều thương nhớ

Ngô Minh 09:23, 21/08/2022

Có những công trình như biểu tượng của đời sống văn hóa, là nơi cất giữ kỷ niệm của một thế hệ người dân thành phố Thái Nguyên. Rạp chiếu bóng nhân dân với tôi là một trong những nơi như thế.

Rạp chiếu bóng nhân dân Thái Nguyên.
Rạp chiếu bóng nhân dân Thái Nguyên.

Tuổi đời hơn 60, Rạp chiếu bóng nhân dân (đường Hùng Vương, phường Trưng Vương) là một trong số không nhiều công trình xưa cũ còn lại với thời gian, đến nay vẫn thể hiện tầm vóc và giá trị.

Lứa tuổi 6, 7X chúng tôi thường gọi Rạp chiếu bóng nhân dân là “rạp trong nhà” để phân biệt với “rạp ngoài trời” ở phường Hoàng Văn Thụ. Năm 1973, từ nơi sơ tán tránh bom đạn Mỹ trở về, chúng tôi cố gắng mua được tấm vé đến xem phim ở “rạp trong nhà”, như một cách hòa nhập với đời sống thị thành. Bước qua cánh cửa bọc da nặng trịch, không gian Rạp mở như thiên đường lạ lẫm: Gần nghìn chiếc ghế xếp “phân lô”, trần nhà cao vút, tường đắp sần tiêu âm. Trên tầng 2, tiếng máy chiếu phim chạy rè rè, luồng sáng hình chóp nón phóng từ ô cửa vuông, đẩy lên tấm vải trắng bao hình ảnh diệu kỳ.

Có được tấm vé xem phim ngày đó thật không dễ dàng. Ô bán vé nhỏ xíu, đông nghịt người chờ giờ mở cửa. Mấy tay “phe” vé táo tợn nhảy từ trên xuống hoặc chui từ dưới lên tiếp cận cửa bán vé. Những bộ phim “hót” ngày ấy như: Khi đàn sếu bay qua, Mười bẩy khoảnh khắc mùa Xuân, Người cá, Chiến tranh và hòa bình (phim Nga); Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Mối tình đầu (phim Việt Nam)… luôn trong tình trạng “sốt” vé, dù chiếu liên tục hàng tuần liền.

Cùng trở lại thăm Rạp chiếu bóng nhân dân với tôi là họa sĩ Trần Minh, 59 tuổi. Anh có 31 năm làm việc tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (sở Văn hóa Thể thao Thái Nguyên), trong đó hàng chục năm anh làm nhiệm vụ vẽ pa-nô giới thiệu phim. Đứng mãi trong căn phòng trước đây là nơi làm việc, anh Minh kể: Một tuần tôi vẽ 2 tấm pa - nô cỡ lớn, theo makét của hãng phim gửi lên. Vẽ xong treo lên 2 bên rạp, một bức phim đang chiếu, một bức phim sắp chiếu. Ngoài vẽ là công việc chính, tôi còn tham gia làm các công việc khác như soát vé, dọn dẹp.

Chứng kiến quãng ngày sôi nổi của đời sống phim ảnh, anh Minh nhắc lại kỷ niệm lần rạp chiếu phim Vị đắng tình yêu (năm 1991). Dàn diễn viên “ăn khách” như: Lê Công Tuấn Anh, Thủy Tiên, Lê Tuấn Anh, Lê Công Bắc cùng với nội dung phim hay khiến người xem kéo đến rạp ùn ùn. Những hôm như thế, người soát vé rất vất vả, họ phải “căng mình” cản dòng người như muốn xô đổ cửa rạp.

Tác giả bài viết với hệ thống máy chiếu phim cũ tại Rạp chiếu bóng nhân dân.
Tác giả bài viết với hệ thống máy chiếu phim cũ tại Rạp chiếu bóng nhân dân.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Tô Hồng Thái (xóm Hưng Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), người 19 năm “xé vé” canh cửa rạp năm xưa. Đã ở tuổi 97 nhưng nhìn cụ Thái tôi vẫn hình dung ra anh “Thái lõ” của những năm 1970, cao to vạm vỡ đứng canh cửa rạp. Quê ở Kiên Giang, anh Thái ra Bắc năm 1954, làm công việc soát vé tại Rạp từ năm 1960 đến 1979 thì nghỉ hưu. Anh Thái đứng chắn cửa, kiên quyết đẩy những thanh niên ngỗ ngược trốn vé ra ngoài. Nhớ lại chuyện cũ, cụ Thái cười vô tư: Tôi bị ném đá, dọa đánh suốt, kệ, tôi chả sợ.

Có một người hơn 30 năm làm việc tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, trong đó hơn 20 năm làm Phó và Trưởng Rạp, đó là ông Lê Văn Đào, hiện ở ngõ 21, đường Hùng Vương. Chứng kiến giai đoạn hoàng kim của phim chiếu rạp, ông Đào nhớ những khán giả Thái Nguyên yêu quý và khao khát phim ảnh. Cả khi phim rạp không được sủng ái nữa thì vẫn có một lớp người tuổi trung niên đến rạp mỗi khi có phim mới.

Theo ông Đào, công việc vất vả nhất ở Rạp là thợ điều khiển máy chiếu phim. Công nghệ máy chiếu ngày đó dùng ánh sáng hồ quang nên phòng chiếu nóng như cái lò. Người thợ máy phải đứng điều chỉnh cho tia hồ quang sáng đều trong 90 phút, thay 8 đến 12 cuộn phim. Hai thợ máy là ông Quân và ông Ngọ thay nhau lắp phim, quần áo ướt sũng mồ hôi. Bên cạnh phòng máy là phòng thuyết minh. Thuyết minh viên đa số là nữ, các chị: Bắc, Dinh, Hà nay đều lên chức bà. Họ đều được đào tạo từ Trường Trung cấp Điện ảnh.

Từ khoảng năm 1992, phim chiếu rạp dần thoái trào, buổi chiếu rút từ 3 buổi/ngày xuống còn 1 buổi. Lãnh đạo Rạp tìm nhiều cách để tiếp cận khán giả, như chiếu băng video, phim 3D… nhưng vẫn khó kéo người xem đến rạp. Nay hầu như Rạp không còn chiếu phim, các chức danh như thợ máy, thuyết minh, bán vé, soát vé chỉ còn là kỷ niệm.

Bên trong Rạp chiếu bóng nhân dân.
Bên trong Rạp chiếu bóng nhân dân.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên, Rạp chiếu bóng nhân dân là địa chỉ chứa niềm vui thanh xuân của tôi và của rất nhiều người cùng thế hệ, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới được “thám hiểm” ngõ ngách của công trình này. Theo thông tin của các kiến trúc sư cao tuổi của tỉnh, thì công trình Rạp chiếu bóng nhân dân được xây dựng khoảng năm 1960, tác giả là kiến trúc sư của Bộ Kiến trúc và Thủy lợi. Rất tiếc, những kiến trúc sư tôi hỏi đều không biết hồ sơ công trình hiện nay đang ở đâu.

Ngoài phòng xem phim rộng rãi, Rạp còn có tầng hầm, tầng gác, các phòng phục vụ. Tại căn phòng chiếu, nơi “biến hóa” luồng ánh sáng huyền diệu thành những câu chuyện phim khiến chúng tôi mê mẩn ngày nào hiện nay vẫn còn 2 chiếc máy chiếu và những thước phim nằm trên máy như không muốn dừng quay. Chồng hộp đựng phim bằng “sắt tây” và chiếc bàn “sang” phim cũ kỹ không biết ở đây từ bao giờ.

Nâng những hộp phim trên tay, tôi bỗng nhớ cảm giác hồi hộp khi ánh điện trong rạp vụt tắt, tiếng máy quay phim khởi động rì rì và hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên tấm vải trắng căng trên sân khấu xa xa. Từ giây phút ấy, tôi thoát khỏi hiện thực để nhập vai các nhân vật trong phim.

Tôi nhớ bạn tôi tên Thủy ở phố Gia Bẩy (phường Hoàng Văn Thụ), thích xem phim lắm nhưng không có tiền mua vé. Thủy thường đợi lúc bác Thái “lõ” soát vé cho “tháo khoán” mới vào được. Chỉ xem đoạn cuối phim mà Thủy mường tượng ra đoạn đầu, ráp nối lại rồi kể cho chúng tôi rất sinh động, hấp dẫn. Tôi nhớ Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 diễn “Tìm lại cuộc đời” tại rạp (năm 1979), gần nghìn người nín thở chờ câu “đổ” vọng cổ, tiếng vỗ tay rào rạt và những cặp mắt ướt long lanh. Những tên nghệ sĩ như Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Ngọc Bích, Giang Châu… tôi nhớ đến tận giờ. Dường như, tháng ngày khó khăn ấy đã khiến việc thẩm thấu nghệ thuật của chúng tôi trọn vẹn hơn, sâu đậm hơn.

Thong thả ngắm nhìn, tôi thấy Rạp ít “già đi” qua mấy chục năm. Vẫn hàng chữ Rạp chiếu bóng nhân dân thanh mảnh bền bỉ từ ngày đầu hiện diện. Sân rạp trước nhìn rộng hơn do chưa có các hàng quán ăn uống, dịch vụ bao quanh như hiện nay.

Gắn liền với “rạp trong nhà” tôi vừa nói đến là các công trình: Rạp chiếu bóng ngoài trời (nay là địa điểm Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc), Rạp Quyết Tiến (nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh), Sân vận động thành phố, Nhà văn hóa công nhân Gang thép… là những địa điểm vui chơi giải trí, thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân thành phố một thời.

Với những cư dân tuổi từ 60 trở lên thì những nơi này chất chứa kỷ niệm tuổi thơ; với không ít người, đó còn là nơi thành hình mơ ước, hoài bão, thậm chí quyết định tương lai. Những bộ phim thấm đẫm chủ nghĩa Anh hùng cách mạng như: Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và Hòa bình… đã tiếp sức cho hàng nghìn lá đơn tình nguyện ra trận của lớp thanh niên ngày ấy.

Thành phố Thái Nguyên đang bước vào tuổi 60, một chặng thời gian đủ thấm trải vui buồn. Với những người sinh ra và lớn lên ở thành phố như chúng tôi, mỗi ngôi nhà, gốc cây, con đường… đều chất chứa bao kỷ niệm. Tiếc rằng Rạp bây giờ không còn sáng đèn hằng đêm như trước. Nhưng, công trình vẫn trẻ trung, vững chắc, sẵn sàng đón đợi một đời sống văn hóa mới của thành phố hôm nay.


Từ khóa:

Thái Nguyên

Rạp chiếu bóng