Cuối năm 1961, tôi theo bố mẹ từ thành phố Cảng lên Thái Nguyên sinh sống. Một chuyến tầu hỏa xuất phát từ ga Hải Phòng, qua một lần chuyển tầu, đến cuối ngày thì tới ga Thái Nguyên (ngày ấy gọi là ga Đồng Quang). Con đường từ nhà ga vào thành phố mới khủng khiếp làm sao: Ngổn ngang, đầy ổ gà, ổ trâu. Mỗi khi ô tô chạy qua, từng cơn lốc bụi đỏ cuộn xoáy tung lên mù mịt…
Khu trung tâm TP. Thái Nguyên xưa (ảnh sưu tầm). |
Đi khoảng hơn cây số đường đất, tôi hỏi một người đi đường “Sắp đến thành phố Thái Nguyên chưa bác ơi?”. Bác ấy trố mắt nhìn tôi cười ngặt nghẽo, đáp: “Chỗ này chính là trung tâm thành phố rồi đấy” (là đường tròn có bồn phun nước bây giờ). Cả nhà tôi lặng người vì ngạc nhiên. Đêm đầu tiên trên đất Thái Nguyên cả gia đình tôi không sao ngủ được. Nhìn về quầng sáng phía xa xa, bố tôi bảo:
- Đấy là ánh sáng phát ra từ các lò luyện đầu tiên của Khu Gang thép con ạ.
Tôi không hiểu thế nào là lò luyện, là Khu Gang thép, mà chỉ biết lơ mơ qua lời người lớn, nơi ấy là một miền đất quan trọng, là niềm tự hào của đất nước. Đối với tôi, ấn tượng khó quên về Thái Nguyên đó là một thành phố tràn ngập mái tranh, một rạp hát Quyết Tiến lợp lá cọ, những con đường giống như những con đường mòn ở các thôn quê, những tán bàng bám đầy bụi… Thành phố Thái Nguyên thuở ấy trong tâm trí tôi là vậy. Nhưng rồi cái thành phố ấy đã là một miền đất gắn bó với tôi suốt cuộc đời, trở thành quê hương thứ hai của tôi.
Nhiều năm sau đó, mỗi buổi sáng cắp sách tới trường, tôi bắt đầu thấy những con đường được trải nhựa, những ngôi nhà xây dần mọc lên… Và nhất là Khu Gang thép đã trở thành một tâm điểm lớn về công nghiệp nặng của Tổ quốc…
Rồi đến giữa năm 1965, khi chúng tôi đang học ở Trường cấp III Lương Ngọc Quyến thì những thông tin về cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gieo rắc xuống miền Bắc nước ta lan rộng. Học sinh dần dần phải sơ tán về các huyện vùng sâu vùng xa.
Đêm chia tay thành phố, nhiều bè bạn lớp tôi đã khóc. Khóc, không phải vì sợ chiến tranh mà vì phải xa những con đường bé nhỏ, nham nhở, gập ghềnh sỏi đá vẫn ngày ngày bước đến trường. Khóc, vì phải xa những tán bàng xanh xanh tuổi thơ dọc những con đường kỉ niệm. Khóc, vì phải xa con sông Cầu âm thầm chảy suốt ngày đêm. Khóc, vì phải xa những địa danh mộc mạc đơn sơ nhưng bấy lâu nay đã trở nên thân thuộc: Gia Bẩy, Bến Than, Đội Cấn, Phù Liễn, Kép Le, Câu Kê, Bến Tượng, Ngọc Lâm, Âm Hồn, Đồng Quang, Thịnh Đán...
Vào 9 giờ 55 ngày 17 tháng 10 năm 1965, từ nơi sơ tán, tôi giật mình nhìn về phía thành phố trong tiếng gào rít của máy bay Mỹ cùng những quầng lửa đỏ và khói bụi ngụt trời. Biết là giặc Mỹ đã bắt đầu tàn phá thành phố quê hương.
Sau đấy tôi được hiểu tỉ mỉ hơn về trận oanh tạc rất dã man ấy của đế quốc Mỹ. Hơn hai tiếng dồng hồ, với hai mươi bốn lượt máy bay, chia thành nhiều đợt, liên tiếp ném bom và bắn rốc két xuống cầu Gia Bẩy làm 71 người chết, 57 người bị thương, gần 50 ngôi nhà bị phá hủy…
Nhưng cũng chính từ trận bom ấy, thành phố của tôi đã xuất hiện những tấm gương quả cảm hy sinh còn sáng mãi trong lịch sử chống ngoại xâm. Đó là sự hy sinh lẫm liệt của toàn bộ chiến sĩ Khẩu đội Thượng liên thuộc Trung đội 2 tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ trên đồi Két Nước. Đó là những gương mặt còn sáng mãi trong sử xanh như Đoàn Văn Bảo, mới 16 tuổi, chiến sĩ tự vệ của Hợp tác Xã Bắc Nam đã lao lên làm giá súng cho đồng đội; là Nguyễn Thị Mùi đang mang thai mà vẫn xung phong đi tiếp đạn; là Cao Thị Vi tuổi cao, sức yếu vẫn làm nhiệm vụ cứu thương, nghe tin con trai hy sinh đã nén đau thương vuốt mắt vĩnh biệt con, lại tiếp tục trở về vị trí chiến đấu… Và còn bao nhiêu tấm gương khác như các Liệt sĩ Nông Quốc Khánh, Vũ Quang Bồng, Phan Văn giao, Lê Xuân Tảo, Vũ Thị Bích Hợi…
Sông Cầu và một phần khu trung tâm TP. Thái Nguyên ngày này. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Trận bom ấy, Cầu Gia Bẩy bị phá hủy. Nhịp cầu bé nhỏ ấy, con sông lơ thơ ấy đã đọng biết bao ký ức tuổi hoa niên của tôi. Không hiểu sao, đúng vào những ngày cầu Gia Bẩy đổ xuống sông sâu, câu thơ của Hoàng Trung Thông lại ngân lên trong lòng tôi đau đáu, thiết tha hơn bao giờ hết. Đó là những câu thơ mà nhà thơ đã đứng từng ngay trên cầu Gia Bảy để sáng tác: Sông Cầu ơi dòng nước chở trăng sao/Chở những đám mây hồng mây trắng/Ta soi bóng trong dòng vắng lặng/Bóng ta cùng bóng tháng ngày trôi… Trong tâm hồn tôi, cầu Gia Bẩy và con sông Cầu không bao giờ bị tàn phá.
Rồi Noel năm 1972. Có lẽ trong tâm khảm mỗi người dân thành phố Thái Nguyên sẽ vĩnh viễn khắc ghi cái đêm Giáng sinh đầy máu và nước mắt ấy. Vào 19 giờ 55 phút, sáu tốp may bay B52 cùng dàn máy bay hộ tống EB- 66, EA- 63 F4, F05 đã điên cuồng bắn phá vào “cảng cạn” ga Lưu Xá và Khu Gang thép Thái Nguyên. Chính ở nơi đây, 59 đội viên thanh niên xung phong thuộc Đại đội 915 cùng Đội phó Đội Thanh niên xung phong 91 Nguyễn Thế Cường, một người con ưu tú của thành phố Thái Nguyên đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ.
Những năm tháng sục sôi ấy, lứa tuổi chúng tôi nô nức ra mặt trận, có những bạn tôi tuổi mới tròn mười bảy nhưng đã viết đơn bằng máu. Họ đi không chỉ vì lí tưởng mà có lẽ cái sâu nặng hơn chính là bởi những vết thương trên da thịt của thành phố quê hương.
Tôi bỗng hiểu rằng, tình yêu Thái Nguyên của tôi cũng bắt đầu từ những vết thương như thế. Máu và nước mắt đã làm nên tình yêu của tôi với mảnh đất này. Sáu mươi năm, cùng bao thăng trầm, với tôi, thành phố Thái Nguyên đã trở thành một miền quê yêu dấu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin