Đền Kim Sơn (Gốc Sấu) là di tích văn hóa, tín ngưỡng được dựng cuối thế kỷ XIX, thuộc xóm Ao Voi, xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ (nay là tổ 2 Ao Voi, phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên).
Theo ông Trần Văn Sinh, Tổ trưởng tổ 2 Ao Voi, phường Đồng Bẩm: Đền Kim Sơn có tên tự là Kim Sơn từ, do cổng đền có cây sấu cổ thụ nên người dân địa phương thường gọi là đền Gốc Sấu. Đền nằm dưới chân đồi Kim Sơn, tọa lạc trên dải đất có địa thế đẹp “trên bến, dưới thuyền”, nơi con sông Cầu thơ mộng chảy qua, rất thuận lợi cho nhân dân trong việc sinh hoạt tâm linh, tổ chức lễ hội.
Theo truyền thuyết và các sự kiện lịch sử cũng như lời kể của nhân chứng thì đền Kim Sơn thờ Chúa bà Chầu Đệ Nhị (là người xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tương truyền là người có công kêu gọi dân chúng trong vùng đứng lên chống giặc Cờ đen hồi giữa thế kỷ XIX) và thờ Mẫu Bách Thiên, Mẫu Cửu Trùng Thiên, ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh. Hậu cung thờ Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay, Tam tòa thánh Mẫu, Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngũ hổ.
Ông Đỗ Tiến Thành, Thủ nhang đền Kim Sơn, chia sẻ: Ban đầu, đền là ngôi nhà sàn nhỏ 4 cột gỗ, xung quanh bưng ván, giữa khu đất nhiều cây cổ thụ. Năm 1947, đền bị phá dỡ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Năm 1994, đền được chính quyền địa phương cùng nhân dân Đồng Bẩm đóng góp tiền của, công sức, nguyên vật liệu để tôn tạo, xây dựng lại một số hạng mục. Đền có hình chữ ĐINH, gồm 3 gian và một gian hậu cung, hướng về phía Tây Bắc. Đặc biệt, trong những năm 1941-1944, đền Kim Sơn là nơi hội họp và cất trữ lương thực, quân trang cho du kích và Cứu quốc quân. Đây cũng là nơi qua lại, hội họp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và đồng chí Chu Văn Tấn, Chỉ huy Cứu quốc quân II.
Đi tham quan, vãn cảnh vào những ngày đầu Xuân, du khách sẽ thấy đền Kim Sơn có nét cổ kính trong không gian yên tĩnh, linh thiêng. Sân đền mát rượi dưới tán lá cây sấu cổ thụ mấy người ôm. Mùi hoa hồng, hoa cúc, lan... tỏa ngát hương thơm.
Cách Đền 30-40m là dòng sông Cầu uốn lượn ôm lấy đền về phía Tây Bắc. Nơi đây là không gian văn hóa lưu trữ các phong tục, tập quán sinh họa văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian từ bao đời nay. Người dân trong vùng dù đi đâu, ở đâu cũng không quên hội tụ về Lễ hội Xuân đền Kim Sơn.
Đền Kim Sơn tổ chức Lễ khai Xuân hàng năm vào ngày 4 tháng Giêng. Đây là lễ hội sôi động với các trò chơi dân gian và hiện đại bổ sung, đan xen rất hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa.
Trong năm, đền còn tổ chức nhiều ngày lễ như: Ngày 18 tháng Giêng, tổ chức Lễ dâng hương; ngày 3-3, tổ chức Lễ tiệc mặn; ngày 14-4, tổ chức Lễ hạ điền (Lễ xuống đồng); ngày 25-5, tổ chức Lễ tiệc Quan Lớn tuần Chanh; ngày 24-6, tổ chức Lễ tiệc Quan Ba Phủ; ngày 14-7, tổ chức Lễ cầu siêu - Lễ thượng điền (Lễ lên đồng); ngày 20-8, tổ chức Lễ Trần Hưng Đạo; ngày 10-10, tổ chức Lễ Hoàng Mười; ngày 20-12, tổ chức Lễ Tất niên...
Ngày 14-1-2008, UBND tỉnh công nhận đền Kim Sơn là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh” tại Quyết định số 70/QĐ-UBND. Hiện nay, đền vẫn thường xuyên mở cửa cho nhân dân trong vùng và du khách thập phương lui tới vãn cảnh, làm lễ, dâng hương cúng bái, cầu may.
Đền Kim Sơn nhiều năm nay đã trở thành một điểm đến không thể không nhắc tới khi nói về du lịch tâm linh tại Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin