Về Tân Cương tìm dấu tích người xưa

Minh Hằng 13:48, 27/11/2022

Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đã trở thành địa danh mang lại niềm tự hào chung cho người dân tỉnh Thái Nguyên. Mỗi khi có khách phương xa đến chơi, tôi thường đưa họ đến Tân Cương. Vừa để giới thiệu quê hương xinh đẹp của “Đệ nhất danh trà”, vừa có dịp để tôi trò chuyện với những người dân tươi tắn, hồn hậu nơi này…

Thế nhưng, mỗi lần đến đây, trong tôi đều dâng lên cảm giác hẫng hụt. Đúng là công trình mới nhiều hơn, đời sống của người làm chè sung túc hơn, nhưng, Tân Cương dường như thiếu vắng phần tri ân nguồn cội, như là cách đắp bồi cho gốc rễ vững bền. Và một trong những cội nguồn đó là người khởi lập làng Tân Cương.

Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương xuất bản năm 2021 ghi rõ: “Những năm 20 của thế kỷ XX, ấp di thực Tân Cương được hình thành trong địa bàn xã Y Na. Được sự giúp đỡ của quan Tuần phủ Thái Nguyên Nguyễn Đình Tuân, năm 1922, đình Tân Cương được khởi công tại xóm Nam Hưng (nay thuộc xóm Nam Đồng) và hoàn thành sau hơn một năm xây dựng. Tại buổi lễ khánh thành đình, Tuần phủ Nguyễn Đình Tuân đã tặng dân làng bức hoành phi “Đại Thắng Lợi” và câu đối có nội dung: “Thái Nguyên giàu đẹp muôn muôn thủa, Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên”.

Trong một số bài nghiên cứu khác (in trong tập kỷ yếu Hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Đình Tuân), thì ghi rõ quan Tuần phủ Nguyễn Đình Tuân là người chuẩn y cho thành lập làng Tân Cương và tự tay cắm hướng đình. Khi đình xây xong, người dân suy tôn và thờ ông làm thành hoàng sống.

Đi liền với tên tuổi cụ Nguyễn Đình Tuân phải kể đến cụ Vũ Văn Hiệt (Đội Năm), người được cụ Tuân cử sang Phú Thọ mang cây chè về trồng ở Tân Cương, cũng là người đầu tiên đưa thương hiệu trà Cánh Hạc ra nước ngoài.

Không muốn dừng lại ở thông tin lịch sử, tôi tìm về làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), quê cụ Nguyễn Đình Tuân. Xa xưa, nơi đây có tên là làng Sổ, điều đó lý giải vì sao Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân có tên gọi thân thương là Nghè Sổ.

Tác giả bên lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Tác giả bên lăng mộ Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang).

Đến cuối thế kỷ XIV, cụ Đoàn Xuân Lôi, người làng Sổ đầu tiên đỗ Thái học sinh khoa thi năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ 8 (năm 1384), đã xin nhà Vua đổi tên làng Sổ thành làng Trâu Lỗ. Vùng đất Trâu nước Lỗ là quê hương của Khổng tử và Mạnh tử, là những bậc thánh xây dựng nền Nho học. Việc làm của cụ Đoàn Xuân Lôi gửi gắm mong ước nơi này sẽ có nhiều người đỗ đạt.

Thật may mắn, tôi gặp được ông Nguyễn Đức Ấn (hậu duệ đời thứ 3 của cụ Nguyễn Đình Tuân), là người trông nom Lăng cụ Nghè. Ông Ấn kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Cụ bằng giọng yêu thương, cung kính:

“Cụ tôi sinh năm 1867, đỗ Tiến sĩ năm 34 tuổi, là người có học vị cao nhất trong lịch sử khoa cử của tỉnh Bắc Giang thời Nguyễn. Lăng này do chính tay Cụ tôi sắp xếp và cho xây 11 năm trước khi mất. Tất cả các vị trí trong lăng, chúng tôi làm theo lời Cụ dặn, không dám sai một ly…”. Từ chuyện xây lăng ở Trâu Lỗ, tôi nghĩ đến việc cụ Nghè Sổ cắm hướng xây đình Tân Cương 100 năm trước. Chắc hẳn quan Tuần phủ Nguyễn Đình Tuân đã suy tính kỹ càng và gửi gắm nhiều nguyện ước vào công trình tâm linh đó.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trao đổi với hậu duệ của cụ Nguyễn Đình Tuân.
Tác giả (ngoài cùng bên trái) trao đổi với hậu duệ của cụ Nguyễn Đình Tuân.

Khi tôi nói cho ông Ấn biết hiện di ảnh của ông Nghè Sổ được trưng bày tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương, ông rất ngạc nhiên. Theo ông Ấn thì từ ngày ông được dòng họ giao trông coi Lăng, ông ít khi được tiếp đón người Thái Nguyên đến đây. Ông cũng chưa một lần được đến Thái Nguyên.

Trò chuyện với nhiều người Tân Cương, tôi cũng ngạc nhiên khi hầu hết họ không biết về ngôi đình và Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân. Ông Nguyễn Chi, 71 tuổi, nguyên giảng viên Khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tâm sự: Bố tôi sinh năm 1909, người Nam Định, lên Tân Cương khoảng những năm 1930-1935, nhà ở chân núi Guộc. Học hết cấp 3, tôi được ra nước ngoài đào tạo, rồi trở về Thái Nguyên làm việc, nhưng không sống ở Tân Cương nữa. Tôi chỉ nhớ núi Guộc xưa trồng nhiều chè lắm. Bản thân tôi chưa nghe ai nói về đình Tân Cương, thật đáng tiếc vì điều này.

Anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên  và mẹ anh là bà Yên, 69 tuổi, ở xóm Hồng Thái 2, cũng không biết có ngôi đình lịch sử này. Khi nghe tôi nói đến Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân và công lao của Cụ với đất Tân Cương, anh Đại đã xin tôi bài viết và các file ảnh. Anh nói, đây sẽ là thông tin quý để anh giới thiệu cho khách du lịch khi đến HTX tham quan, trải nghiệm.

Quyết tâm tìm dấu tích ngôi đình xưa, tôi đã đến xóm Nam Đồng (tên cũ là Nam Hưng), ở xã Tân Cương. Ở đây tôi gặp cụ Đỗ Thị Hiệp, 82 tuổi, là người biết về đình Tân Cương. Cụ Hiệp kể: Bố mẹ tôi là người Nam Định, lên sống ở đất này từ năm 1940. Trong trí nhớ của tôi, đình nằm trên quả đồi thoai thoải, rộng khoảng 1 mẫu. Đứng trước cửa đình có thể nhìn ra cánh đồng ngút tầm mắt. Vào ngày Rằm, dân quanh vùng mang bưởi và các loại hoa quả ngồi bán ở cổng đình. Khoảng năm 1945-1947, đình đổ nát, gạch ngói tan tác, cỏ mọc lút đầu. Sau đó, cụ Chức (tên vợ là Thìn) đến dọn dẹp, làm nhà trên đất đình, hiện nay con trai cụ Chức, tên là Thắng, đang ở đó.

Theo chỉ dẫn của cụ Hiệp, tôi tìm đến nhà ông Đào Quốc Văn, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương. Ông Văn xác nhận thông tin của cụ Hiệp là đúng và cho chúng tôi biết người dân Tân Cương vẫn gọi khu vực này là khu đồi Đình. Nhà ông Thắng chỉ cách nhà ông Văn vài trăm mét.

Nhà ông Thắng trên khu vực đồi Đình (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).
Nhà ông Thắng trên khu vực đồi Đình (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).

Quan sát bằng mắt thường, tôi dễ dàng nhận ra khu đất nhà ông Thắng là một quả đồi, xung quanh được “bạt” thấp xuống, bao bằng rặng tre dày, lối vào nhà phủ kín lá khô. Nhà ông Thắng trên đỉnh đồi, xây cấp 4. Đúng như cụ Hiệp tả, đứng từ vị trí này có thể bao quát vùng ruộng đất mênh mông, tít tắp. Rất tiếc vợ chồng ông Thắng không có nhà, điện thoại không liên lạc được, nên chúng tôi đành quay ra.

Ở Tân Cương, tôi còn được nghe nhiều câu chuyện gắn với tên tuổi người xưa, như miếu Cựu Vạn ở khu vực núi Guộc. Miếu do cụ Cựu Vạn dựng lên từ hơn 100 năm trước. Chồng cụ Cựu Vạn là người có công đưa lính về chia ruộng đất cho nhân dân. Cụ Vạn có 1 con trai, 2 con gái, 1 con nuôi, đều đã mất, hiện chỉ còn cháu, chắt.

Ngoài cụ Đội Năm (Vũ Văn Hiệt), mọi người còn nói đến cụ Đội Chí, cũng là người có công với làng. Và đặc biệt, hiện nay còn cụ Nhung, gần 100 tuổi, ở xóm Y Na, là người biết nhiều về Tân Cương xưa.

Không ai bảo ai mà những người tôi tiếp xúc như cụ Hiệp, ông Chi, ông Văn, anh Đại đều cho rằng việc tôn vinh, phục dựng dấu tích xưa là điều vô cùng cần thiết. Hằng năm, xã Tân Cương tổ chức Lễ hội Hương sắc Trà xuân. Phần lễ là rước cây chè cổ, phần hội là một số hoạt động văn hóa thể thao, thi sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống, trưng bày sản phẩm của các HTX chè…

Với kết cấu lễ hội như vậy, tôi thấy phần “lễ” chưa xứng tầm với mảnh đất giàu lịch sử này. Trôi cùng thời gian, dấu tích xưa đang mất dần, người biết chuyện xưa cũng thưa vắng. Nếu chính quyền xã Tân Cương không nhanh chóng tìm tòi, khôi phục, lưu, giữ, lấy đó làm phần gốc gác để tri ân, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa, mọi thứ đều không còn.

Vùng đất sẽ trở nên có hồn cốt khi được kết nối với ký ức. Đó không chỉ là đòi hỏi của lịch sử mà còn là đòi hỏi của lương tâm.