Chuyện đặt tên đường, tên phố

Hữu Minh 12:27, 20/11/2022

Tên làng, nước, tên đường xá, công trình công cộng… đã được con người sử dụng từ mấy nghìn năm, cũng như tên người, dòng họ, chi, đệm tưởng chẳng có gì phải bàn. Thế nhưng, tôi thấy cũng cần để tâm, cũng là cốt sao cho hay, cho thuận, cho văn hoá, cho giáo dục truyền thống… Huống hồ, thời kỳ hưng thịnh, phố phường, thị trấn, thành phố mọc lên nhiều thì cái tên càng trở lên quan trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tên đường, một kênh văn hóa lịch sử

Thủ đô Hà Nội thì khỏi phải bàn, vì nơi hội tụ tinh hoa, bác học của đất nước. Nhưng cho đến giờ, mọi người khi biết đều ngưỡng mộ và khâm phục về việc đặt tên cho các tuyến đường phố tại Sài Gòn vào năm 1956. Qua các bài báo, tài liệu lưu trữ, chúng ta được biết kiệt tác của lịch sử về việc đặt tên này được hoàn thành bởi nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát, cán sự điền địa.

Việc đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao cho hợp lý không phải dễ. Năm 1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát đã đệ trình lên Hội đồng Đô Thành toàn bộ danh sách và những tên đường, phố ấy đã được chấp thuận.

Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang, mạch lạc, sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng, lại phù hợp với địa chính trị hiện có. Đầu tiên là những con đường mang lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng ao ước: Tự Do, Công Lý, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trình này nằm ở những vị trí thích hợp nhất.

Đường đi ngang qua Bộ Y tế thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự. Đại lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm thành phố rất xứng đáng cho vị Anh hùng phá tan hơn 20 vạn quân Thanh.

Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc (cả ba là lãnh tụ cuộc Khởi nghĩa Yên Bái). Hoặc đường Phan Thanh Giản với đường Phan Liêm và đường Phan Ngữ (Phan Liêm và Phan Ngữ là con, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết)…

Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng: Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công dựng nước, giữ nước của các ngài. Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi. Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên: Bến Bạch Đằng, bến Chương Dương, bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Việc đặt tên đường, phố, công trình có ý nghĩa quan trọng trong truyền thống, tri ân, giáo dục và cả kinh tế. Thời đại nào thì nhà cầm quyền cũng chăm chút cho công việc này.

Ngày 11-7-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 91 kèm theo Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng. Trong đó nêu rõ: Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế. 

Trong đó, phân loại đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV và đô thị loại V. Các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt tên.

Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ…

Một chút với tên đường ở Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên (trước đó là thị xã), đã ra đời và phát triển được 60 năm, hiện là thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh. Gần đây có thêm các thành phố Sông Công, Phổ Yên, chẳng mấy nữa, 9 đơn vị hành chính của tỉnh cũng cơ bản là thành phố, thị xã, chí ít là những đô thị xứng tầm vóc trung tâm huyện.

Có một đặc điểm rất riêng là các thành phố, thị xã sẽ liền kề, khoảng cách ngắn và rất ngắn. Bài toán phải tính trước, phải có trong quy hoạch, thứ tự ưu tiên và phải nằm trong kiểm soát tổng thể của tỉnh (riêng trong thống nhất chung) để tránh trùng lập, lãng phí, nhầm lẫn.

Thái Nguyên là địa phương phong phú về di tích lịch sử và cách mạng, rất nhiều hiền tài trong lịch sử cũng như các vị lãnh đạo các thời kỳ, được đặt tên cho công trình, cho đường, phố cũng như được phép thay đổi theo sự phát triển của đô thị để có chiều dài lịch sử xa nhất…

Lại nữa, cũng cần có những phố, những tên gọi theo ngành, nghề truyền thống hoặc dấu ấn địa phương. Ngoài những tên tuổi chung của quốc gia, cứ theo chiều dài lịch sử, thế kỷ thứ 6, chúng ta có Lý Bí (Lý Thái Tổ), có Vạn Xuân, Cổ Pháp… Thế kỷ XII (năm 1127) có Dương Tự Minh và những tên tuổi đi cùng. Thế kỷ XV, ba cha con Lưu Trung quê Thuận Thượng (Văn Yên, Đại Từ) giúp Lê Lợi lập nghiệp lớn, họ nằm trong số khai quốc công thần. Lưu Trung có nhiều công trạng được vua Lê thăng tới chức Nhập nội Bảo chính Công thần (năm 1432), con trai Lưu Trung là Lưu Nhân Chú, giữ tới chức Tể tướng; Phạm Cuống là con rể Lưu Trung, người xã Văn Lãng (Đại Từ), đứng đầu trong danh sách khai quốc công thần gồm 93 người, giữ tới chức Nhập nội thiếu uý…

Những tên tuổi lớn xa xưa: Đỗ Cận, Phạm Nhĩ, Trịnh Hiển, Đàm Sâm, Trịnh Bá, Đồng Doãn Giai, Nguyễn Cao, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm… cũng nên đưa vào ngân hàng tên.

Thời kỳ cận hiện đại những cái tên cũng hết sức phong phú: Chỉ riêng Cuộc khởi nghĩa của binh lính người Việt yêu nước chống Pháp dưới khẩu hiệu “Nam binh phục quốc” năm 1917 cũng cho mấy tên tuổi: Lương Ngọc Quyến, Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn), Dương Thế Giá (Đội Giá). Trong cuộc Kháng chiến 9 năm là tên những địa chỉ đỏ: Khau Tý, Đèo De, Đèo Khế, Tỉn Keo… Các anh hùng lực lượng vũ trang: Triệu Văn Báo, Dương Quảng Châu, Đàm Văn Ngụy, Phạm Việt Đức, Trần Thế Lai, Hoàng Văn Nghiên, Ngô Văn Sơn, Trần Xuân Thiện, Ma Văn Viên, Vũ Văn Xuân (Vũ Xuân)…

Nghị định 91 có quy định rõ việc đặt tên và đổi tên. Từ thực tế, người viết bài có vài suy tư, chia sẻ trong bài báo, ngõ hầu được tham khảo. Ví như tại TP. Thái Nguyên: Đường Hoàng Văn Thụ đã có từ lâu, còn đường Hoàng Ngân thì mới. Liệt sĩ Hoàng Ngân (Phạm Thị Vân) hy sinh ngày 17-7-1949 tại Mỹ Yên (Đại Từ), khi đó là Bí thư Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ ngày nay)… Năm 1956, Bác Hồ chỉ thị chuyển mộ đồng chí Hoàng Ngân từ Đại Từ về yên nghỉ bên người chồng chưa cưới là đồng chí Hoàng Văn Thụ tại Mai Dịch…

Biết đâu đấy, khi có cơ hội, con đường mang tên hai chiến sĩ cách mạng tại TP. Thái Nguyên cũng được nằm cạnh nhau? Tĩnh tâm lại cũng thấy cần thiết kê chỉnh vài điểm: Chẳng hạn nên ghi đầy đủ họ, đệm và tên cho các tuyến đường như: Trịnh Văn Cấn, Ngô Nhị Quý… Cũng không nên lấy mục đính công năng xây dựng công trình làm tên như kiểu phố đi bộ, đường Bắc Nam kéo dài mà cần đặt tên ngay từ khi làm dự án để tránh những hệ luỵ hồ sơ.

Đường Tố Hữu vốn từ ngã ba Đán đi hồ Núi Cốc bây giờ bị chia cắt từ những con đường khác, cũng cần thiết thay đổi…

Tên đường phố, công trình chuẩn cũng là cách để tri ân và hiểu về lịch sử đất nước qua tên gọi. Nhiều địa phương cũng đã làm, đó là dưới biển tên phố là những dòng chú thích ngắn để nhân dân hiểu. Chẳng hạn Lý Nam Đế (Lý Bí - người thôn Cổ Pháp, TP. Phổ Yên, đánh thắng giặc nhà Lương, lập nước Vạn Xuân, lên ngôi hoàng đế tháng 2-544)…


Từ khóa:

Tên đường

tên phố

Thái Nguyên