Những miền quê nắng ngọc

Phan Thái 09:46, 06/11/2022

Thái Nguyên nổi tiếng với danh xưng “Đệ nhất danh trà”. Trà xứ Thái đã đi vào thơ ca, nhạc, họa với màu sắc và thanh âm hòa quyện tạo nên giai điệu đầy hoài cảm. Sự hội tụ, chắt lọc tinh túy từ đất trời của cây chè dưới sườn non Tam Đảo, bên dòng sông Cầu, sông Công và mặt nước xanh huyền thoại của hồ Núi Cốc luôn trổ những mầm xuân tươi non gọi du khách tìm về.

Một góc đồi chè Hoàng Nông.
Một góc vùng chè Hoàng Nông (Đại Từ).

Từ xư đến nay, sản phẩm của “Tứ đại danh trà”: Tân Cương (TP Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Khe Cốc (Phú Lương), Trại Cài (Đồng Hỷ) cùng nhiều vùng trồng chè hảo hạng trong tỉnh đã khẳng định vị thế chè Thái Nguyên tại thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới.

Nhưng không chỉ có trà ngon, Thái Nguyên còn là miền đất có những nương chè rất đẹp. Với địa thế nửa đồng nửa núi, nhiều sông, suối, hồ nước, bằng mồ hôi công sức, người làm chè đã tạo cho làng quê những “tác phẩm nghệ thuật” đích thực. Có thi sĩ đã thật ý nhị khi ví nương chè như nàng sơn nữ vừa tỉnh thức với vẻ đẹp nồng nàn, thánh thiện.

Như lữ khách mê đắm sắc màu quê, không ít lần chúng tôi lang thang thưởng lãm khoảnh khắc thời gian ánh lên vi diệu trên những nương chè. Khác với nhiều loại cây trồng, chè sinh sôi bất luận triền đất dốc hay bằng phẳng, chính vì vậy, nhiều quả đồi thấp, khe lạch hay vườn nhà, bà con nông dân đều tận dụng trồng chè.

Không phụ công người, chè trổ búp và tạo nên sắc màu riêng khó có thể trộn lẫn với miền quê nào khác. Bên đồi rừng trùng điệp và mặt nước sông, suối bập bềnh sương núi, nhiều nương chè uốn lượn sáng lên ngời ngợi.

Màu nắng non mỗi sớm lan nhẹ rắc lên núi đồi muôn cánh tơ vàng óng ánh cho ta cảm giác đi giữa miền lá vàng, búp ngọc. Không phải người quá mơ mộng, nhưng nhiều lần đứng giữa tươi xanh, tôi cũng muốn cất tiếng hát và bay lên với nguồn năng lượng mới.

Như bảy sắc cầu vồng trong giai thoại luồng hoa rồng bay lên thả nắng từ núi Chúa, mỗi vùng đất trồng chè mang một nét khác biệt. Những nương chè  ẩn chứa huyền tích của tiền nhân như lời nhắn nhủ về đạo làm người giữa trầm luân nhân thế.

Các vùng chè Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, cây chè chủ yếu được trồng trên đất bãi và ven chân đồi, phía trên là diện tích rừng trồng để giữ nước, những mảnh ruộng trũng thấp hơn trồng lúa. Mỗi buổi sớm các dòng sông, suối mỏng mềm như dải lụa lặng lờ trôi trong bập bềnh sương núi làm những nương chè không khác tấm thảm bay.

Nắng lên, những nương chè tung tẩy màu tươi non khảm khắc vào trời. Nơi nào đặt chân tới, chúng tôi cũng thực sự ấn tượng về sự phát triển của cây chè. Trong gió xanh, những nương chè sắp vào kỳ thu hoạch ngời ngợi màu búp nõn.

Áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào sản xuất, nhiều diện tích chè đã được trang bị giàn tưới tự động. Một số nương chè còn lắp dựng các giàn cột bê tông căng lưới che nắng để cây chè không bị rám lá mùa nắng lửa. Mô hình sản xuất chè theo phương thức hộ gia đình, hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và quản lý toàn bộ mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc làm các nương chè thêm thắm sắc.

Tại vùng chè Tân Cương, đi trên những nương chè, câu chuyện tình xưa của nàng Công, chàng Cốc, một huyền thoại về lòng chung thủy, niềm nhớ nhung khôn nguôi với người mình yêu thương luôn làm chúng tôi bồi hồi xao xuyến.

Dường như trên từng búp chè muôn nỗi khắc khoải của người xưa còn đọng lại. Lắng lòng giữa thiên tình sử ngàn xưa vọng về, tôi như thấy trong những búp chè màu xanh tươi non thật khác lạ. Các nương chè như điểm xuyết vào sóng nước, màu rừng những câu thơ nồng nàn nhung nhớ. Dường như cả huyền tích cũng chưng cất nên mùa trà thơm.

Có thể lớp người cao tuổi trong ký ức vẫn xanh mướt những nương chè bên dòng sông Công thơ mộng, bởi hồ Núi Cốc được hình thành sau khi xây dựng đập ngăn sông Công. Hồ có dung tích nước 175 triệu m³, độ sâu trung bình 23 m, diện tích mặt hồ rộng 25 km², bao phủ 89 hòn đảo lớn nhỏ. Diện tích trồng chè mở rộng tới nhiều vùng đất mới, những nương chè trong vùng lòng hồ, cả khu vực hồ chính và các xã có mực nước hồ dâng mang vẻ đẹp tinh khôi làm mê hoặc, say đắm lòng người.

Thừa hưởng chất chè đậm đà chát ngọt, hương thơm thoảng sâu quyến rũ của cây chè trung du do vùng đất và khí hậu mang lại, các sản phẩm của người làm chè hôm nay trên mỗi làng quê còn tạo thêm nét khác biệt riêng cho mình.

Khác với việc làm trà mạn trước kia, trà của Thái Nguyên giờ đây chỉ làm từ búp nõn của cây chè nên cánh trà nhìn nhỏ và có độ xoăn nhẹ. Trà có màu nâu được phủ một lớp phấn như màu mốc cau, đây là lớp phấn còn vương lại trên búp. Nước trà có màu vàng xanh, mùi thơm của trà phảng phất hương cốm.

Nương chè mỗi ngày một thêm đẹp, bởi để có sản phẩm trà ngon, người làm chè đã dày công cải tạo đất, lựa chọn địa thế đồi, khe, ruộng vườn đánh luống, tạo dáng cho chè đón nắng mai, giữ ẩm và sinh trưởng tốt nhất.

Bên cạnh đó, làng nghề và các hộ dân còn trồng những đường hoa dọc theo các nương chè, trồng xen cây ăn quả như bưởi, hồng da tre cho chè có bóng mát và tổ chức điểm đón khách tham quan du lịch trải nghiệm sản xuất và chế biến chè, mục đích chỉ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà.

Giữa ngút ngàn xanh, không chỉ là màu xanh của chè mà còn nhiều loại cây trái khác, những ngôi nhà tươi màu sơn mới thấp thoáng ẩn hiện làm cho mỗi vùng đất Thái Nguyên như bức tranh quê nhiều màu sắc.

Ngược nguồn câu then, câu lượn, hẳn ai cũng ngỡ ngàng trước đổi thay mang thông điệp về một cuộc sống mới. Những nương chè bát ngát, nhấp nhánh sắc xuân ánh lên màu nắng ngọc trong cả bốn mùa. Khát vọng làm giàu trên đồng đất làng quê của bà con nông dân từ nền nông nghiệp xanh đang dần hiện hữu.

Bên tách trà thơm ngẫm ngợi muôn sự ấm áp về tình người tình đời, ai cũng cảm thấy lòng mình thật thanh tịnh, an yên. Nhấp ngụm trà, vị đắng chát nhẹ ban đầu sẽ nhanh chóng qua đi, thay vào đó là vị ngọt thanh tao, nhẹ nhàng, lắng sâu trong vị giác.

Có lẽ không quá lời khi nói rằng nhân sinh cũng giống như một tách trà. Thưởng thức trà như thưởng thức cuộc sống. Trong vị đắng có hương thơm, trong hương thơm có vị ngọt, chén trà đậm nhạt đều có hương vị riêng.

Uống trà, thăm các nương chè, chụp ảnh và trải nghiệm thu hái, chế biến chè truyền thống, chợt thấy mình lãng mạn như sen. Hẳn các vị tiền nhân thuở xưa mang về Thái Nguyên trồng một giống cây chè quý đã thấy được cái duyên mảnh đất này qua phù sa núi. Tôi đồ rằng thương hiệu trà Cánh Hạc xa kia nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, hẳn đã mong ước gửi gắm cả ân tình trong hương trà Thái Nguyên.

Vẻ đẹp những nương chè đã và đang góp phần làm nên một Thái Nguyên đậm đà hương sắc trong lòng bè bạn. Tôi tin với cách nghĩ, cách làm như hiện nay, các sản phẩm trà được chắt lọc, kết tinh từ hương đất hương trời, từ công sức và tình cảm của người Thái Nguyên sẽ ngày càng bay xa.