Trái ngọt thanh long trên đất lúa

Vũ Công 07:36, 21/11/2022

Đó là cách nói được người dân xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ) dùng để nhắc về mô hình kinh tế của gia đình bà Hoàng Thị Mỹ. Bởi bà Mỹ là người duy nhất trên địa bàn xã vừa trồng cây thanh long ruột đỏ vừa cấy lúa trên cùng một diện tích đất nông nghiệp. Mô hình mới lạ này đã đem về cho gia đình bà Mỹ thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Để thuận lợi trong việc chăm sóc gia đình bà Mỹ đã lắp đặt thêm hệ thống tưới nước tự động.
Để thuận lợi trong việc chăm sóc thanh long và lúa, bà Mỹ đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Khu ruộng có diện tích 1 mẫu của gia đình bà Mỹ có thể cấy được 2 vụ lúa, nhưng do không có nhân công lao động nên đành bỏ đất trống trong một vụ. Tiếc đất, bà Mỹ đã nung nấu ý định chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhưng do là chân ruộng thụt, lại không thể chuyển đổi được mục đích sử dụng đất nên nhiều năm liền, đất bị bỏ hoang trong suốt 1 vụ dài.

Năm 2016, bà Mỹ nghĩ ra cách đổ các ống cống hình trụ có thể tích gần 1m3, sau đó đặt lên mặt ruộng và đổ đất vào bên trong để trồng cây ăn quả. Chia sẻ về ý tưởng này, bà cho biết: Lúc đầu, tôi trồng cam Cara ruột đỏ, nhưng do ống cống thoát nước kém nên cây không sinh trưởng và phát triển được. Vì thế, năm 2019, gia đình đã chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Ngoài sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp xã, tôi còn tham khảo thêm những kiến thức về trồng cây ăn quả trên diện tích đất hẹp để áp dụng. Nhờ đó, cây thanh long sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 2 năm, gia đình đã thu hoạch lứa quả đầu tiên. 

Hiện nay, gia đình bà Mỹ trồng 400 trụ thanh long trên 7 sào ruộng cấy lúa. Mỗi trụ thanh long thu được khoảng 10kg quả/tháng. Năm 2021, bà thu được tổng cộng gần 4 tấn quả. Với giá bán trong bình 20-25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bà Mỹ thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Dự kiến năm nay, gia đình bà sẽ thu  5-6 tấn quả thanh long. Ngoài ra, trên cùng diện tích này, mỗi năm, bà còn thu trên 2 tấn thóc.

Nói về mô hình của gia đình bà Mỹ, ông Hoàng Văn Việt, người dân xóm Làng Mới, tâm đắc: Người dân trong xóm thường trồng cây ăn quả trên đất vườn đồi, còn gia đình bà Mỹ lại trồng trên các ống cống hình trụ, tôi thấy rất “độc, lạ”. Bởi nhiều người nghĩ trồng như thế cây sẽ khó sinh trưởng và phát triển, cũng như khó chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ trên, cách làm của bà Mỹ đã đem lại hiệu quả thiết thực. Năng suất, chất lượng quả thanh long tương đương như trồng trên đất vườn đồi.

Ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, đánh giá: Trước năm 2016, khi đó tôi làm Chủ tịch UBND xã, gia đình bà Mỹ có xin chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm nhưng không được, do không phù hợp với quy hoạch của địa phương. Sau đó, gia đình bà đã chuyển sang mô hình vừa cấy lúa vừa trồng cây ăn quả. Đây được coi là mô hình mới tại địa phương, không chỉ giúp tăng giá trị trên một diện tích mà còn giữ được nguyên hiện trạng đất nông nghiệp.

Không dừng ở phát triển kinh tế gia đình, nhằm tăng giá trị cho cây thanh long địa phương, bà Mỹ và 13 hộ dân khác ở các xóm Làng Mới, Ba Đình, Đồng Mẫu đã tập hợp lại để thành lập Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Tân Long. Vừa qua, Tổ hợp tác đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Hiện, Tổ hợp tác có tổng diện tích 5ha thanh long, với sản lượng ước tính đạt 90 tấn/năm. Từ đây, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã vùng cao Tân Long.