Là tỉnh có nhiều hầm mỏ, đồn điền tập trung công nhân, lại nằm trên trục đường quan trọng nối các tỉnh phía Bắc và các cơ sở đảng ở Trung Quốc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, Thái Nguyên đã thu hút sự chú ý của Chi bộ hải ngoại Long Châu.
Đặng Tùng, một đảng viên có năng lực vận động quần chúng được Chi bộ cử về Thái Nguyên gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng. Đặng Tùng quê ở xã Lê Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Tháng 8-1932, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Những năm 1933-1934 hoạt động tại Cao Bằng.
Tháng 8-1935, Đặng Tùng bị địch bắt, nhưng sau đó trốn thoát và được Đảng bộ Cao Bằng quyết định cho ra nước ngoài hoạt động. Cuối năm 1935, Đặng Tùng sang Long Châu và sinh hoạt tại Chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Long Châu. Tại đây, Đặng tùng được bố trí ở nhờ một gia đình họ Đường có họ hàng sinh sống tại Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Đại Từ (Thái Nguyên)
Về Thái Nguyên, Đặng Tùng bí mật tới nhà Đường Văn Hon ở La Bằng (Đại Từ). Tại đây, Đặng Tùng bắt đầu xây dựng cơ sở cách mạng bằng việc giác ngộ anh em nhà họ Đường và thông qua họ tìm đến những người có nhiệt tâm với cách mạng.
Cuối năm 1936, 4 quần chúng cách mạng ưu tú nhất ở La Bằng đã được Đặng Tùng kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, gồm: Đường Văn Ngân, Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp và Đường Văn Hon. Đây là những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Thái Nguyên.
Cùng thời gian này, thông qua Đường Nhất Quý, Đặng Tùng sang xã Phú Thượng (Võ Nhai) hoạt động. Tại xã Phú Thượng, Đặng Tùng nhanh chóng chiếm được cảm tình của một số thanh niên và tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng cho họ.
Sau một thời gian thử thách, năm 1937, 3 thanh niên ưu tú nhất ở xã Phú Thượng là Chu Văn Tấn, Nông Văn Cần và Lục Văn Đủ đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cơ sở tổ chức đảng vừa hình thành, công tác phát triển Đảng ở Võ Nhai được đẩy mạnh.
Cuối năm 1937, các tổ đảng ở các xã: Tràng Xá, Lâu Thượng và La Hiên cũng được thành lập gồm các đồng chí: Cam Văn Quỳnh, Trừ Văn Thoòng, Phan Văn Cọ, Phương Cương, Mông Phúc Quyền, Lường văn Báo…
Cuối năm 1937, Võ Nhai đã có 4 tổ đảng ở 4 xã: Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng Xá và La Hiên, với 20 đảng viên. Những tổ đảng này sau hợp thành Chi bộ Võ Nhai.
Việc thành lập các cơ sở đảng ở Đại Từ, Võ Nhai vào những năm 1936, 1937 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phong trào cách mạng Thái Nguyên. Từ đây, trong cuộc đấu tranh chống ách nô lệ thực dân để giải phóng chính mình, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã có một tổ chức Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin