Sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, quân đội ta liên tiếp mở các chiến dịch tiến công và phản công, nhu cầu đảm bảo vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho các chiến trường ngày càng lớn.
Giữa tháng 11-1950, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên quyết định huy động dân công sửa chữa cầu, đường số 3 và đường số 13 - hai tuyến giao thông huyết mạch.
Các huyện thành lập ban chỉ huy công trường, các xã thành lập ban huy động dân công. Hàng nghìn dân công Thái Nguyên đã lên các công trường, đóng góp 490.381 ngày công hoàn thành khôi phục các tuyến Bờ Đậu - Chợ mới (Quốc lộ 3), Bờ Đậu - Đèo Khế (đường 13) và Bờ Đậu - thị xã Thái Nguyên - Bắc Giang, km 31 (Quốc lộ 3) - Quán Vuông (Định Hóa) - Phú Minh (Đại Từ)…
Đầu năm 1953, thực dân Pháp tập trung máy bay đánh phá ác liệt hệ thống giao thông Thái Nguyên. Chỉ tính từ tháng 2 đến tháng 6-1953, trên địa bàn tỉnh máy bay địch đã bắn phá 36 trận, ném 436 quả bom, làm chết 55 người, bị thương 38 người, phá hủy nhiều nhà cửa.
Từ tháng 6-1953, địch tập trung đánh phá các trọng điểm giao thông, như bến phà, bến ngầm, đầu mối giao thông, gây cho ta nhiều thiệt hại về người, phương tiện.
Để bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng, ngày 23/4/1953, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thành lập Ban bảo vệ cầu, đường, các cấp tỉnh, huyện, xã. Tỉnh đội phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các tổ tuần tiễu, các trạm kiểm soát giao thông dọc Quốc lộ 3 đoạn Chợ Mới - Bờ Đậu, dọc đường 13A đoạn Bờ Đậu - Đèo Khế và dọc các đường: Giang Tiên - Linh Nham - Bắc Giang, km 31 (Quốc lộ 3) - Quán Vuông - Bình Thành - Phú Minh.
Để có lực lượng cơ động và đảm bảo giao thông thời chiến, Thái Nguyên thành lập hai đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường ở các trọng điểm giao thông, là Đại đội 211 (Đồng Hỷ) với quân số 136 cán bộ, chiến sĩ và Đại đội 212 (Đại Từ) với quân số 149 cán bộ, chiến sĩ.
Hai đại đội đã khắc phục khó khăn đảm bảo 85% quân số làm việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ động và đảm bảo giao thông thông suốt ở những nơi xung yếu.
Sang năm 1954, để đảm bảo giao thông vận tải phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy đã tập trung cán bộ xuống giúp các huyện huy động nhân công san lấp hố bom sửa chữa cầu đường trên các tuyến Quốc lộ 1B và Tỉnh lộ 13A.
Từ tháng 2 đến tháng 6-1954, ngoài huy động 9.559 dân công đi làm đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thái Nguyên còn thành lập 115 tổ bảo vệ nhiệm vụ sửa chữa những đoạn đường xung yếu trên các tuyến giao thông khi bị máy bay địch bắn phá, đảm bảo giao thông thông suốt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin