Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với các tỉnh miền Bắc, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên bước vào thời kỳ cách mạng mới. Vấn đề cấp bách nhất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên là khắc phục hậu quả chiến tranh, thi đua tăng gia sản xuất để ổn định đời sống.
Để giải quyết những khó khăn về kinh tế mà trước hết là lương thực, từ cuối năm 1954, Đảng bộ đã chỉ đạo các địa phương phát động phong trào “thi đua phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm cứu đói” bằng nhiều biện pháp tích cực, như: Khai hoang mở rộng diện tích, sửa chữa các công trình thủy lợi lớn nhỏ, nạo vét kênh mương, mà trong đó nhiệm vụ phục hồi hoạt động của hệ thống thủy lợi được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Đến cuối năm 1954, toàn bộ hệ thống thủy lợi trên dòng sông Cầu đã được phục hồi, tưới tiêu cho hàng nghìn héc-ta ruộng đất của Đồng Hỷ, Phú Bình và tỉnh Bắc Giang.
Các địa phương tăng cường gieo trồng cây lương thực ngắn ngày như: Ngô, khoai, sắn… nhờ đó, mặc dù bị hạn hán, sâu bệnh, nhưng sản lượng lương thực của toàn tỉnh năm 1955 vẫn đạt 96.854 tấn.
Cùng với các chính sách tiết kiệm lương thực để chăn nuôi, công tác thu mua hỗ trợ phân phối lương thực những nơi khó khăn, mất mùa cũng được thực hiện kịp thời.
Trong 2 năm 1956-1957, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã khai hoang phục hóa, thâm canh tăng vụ mở rộng diện tích cấy lúa lên 50.073ha tăng gần 4.000ha so với năm 1955. Năng suất lúa năm 1957 tăng 2,4 tạ so với năm 1955. Tổng sản lượng lúa đạt 71.160 tấn. Cùng với 20.000 tấn hoa màu các loại, Thái Nguyên không chỉ đảm bảo lương thực cho nhu cầu của nhân dân mà còn đóng góp cho Nhà nước mỗi năm từ 10.000 đến 13.000 tấn.
Các loại cây công nghiệp như: Bông, lạc, vừng, mía, chè cũng được quan tâm đầu tư phát triển. Về chăn nuôi, do được quan tâm chăm sóc tốt, nhất là chuồng trại và thức ăn, nên trong 2 năm sau hòa bình, đàn trâu toàn tỉnh có 10.400 con, đàn bò tăng 4.200 con.
Đàn trâu, bò không chỉ đáp ứng đủ sức kéo cho phát triển sản xuất, thực phẩm cho nhân dân địa phương mà còn cung cấp cho một số tỉnh khác.
Cùng với phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp địa phương đã được Đảng bộ quan tâm lãnh đạo. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp từ 3,04 triệu đồng năm 1955 tăng lên 4,9 triệu đồng năm 1957…
Nhờ tập trung thi đua tăng gia sản xuất, đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện, là tiền đề để Thái Nguyên vững bước đi lên trong giai đoạn tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin