Huyện vùng cao Võ Nhai là địa bàn xa xôi, khó khăn nhất tỉnh. Trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó thì sự hạn chế, yếu kém của hạ tầng giao thông là điều thường được nhắc đến những năm trước. Nhưng gần đây, các nguồn đầu tư, trong đó có phát huy nội lực của nhân dân, hệ thống giao thông ở Võ Nhai ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, ông Phạm Việt Tiến cho rằng, phát triển hạ tầng giao thông là một trong những kết quả nổi bật của huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Là địa phương vùng cao khó khăn và có một số xã An toàn khu nên Võ Nhai được các cấp, ngành quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó tập trung cho hạ tầng giao thông. Cùng với đó, người dân Võ Nhai dù mức sống chưa cao nhưng không còn nặng tâm lý trông chờ Nhà nước đầu tư, họ đã tích cực hiến đất và đóng góp đối ứng làm đường.
Qua nhiều năm gắn bó, tuyên truyền tại huyện Võ Nhai, chúng tôi nhận thấy những thay đổi rõ nét về diện mạo nông thôn của địa phương này nói chung và sự phát triển hạ tầng giao thông nói riêng. Còn nhớ năm 2013, trả lời phỏng vấn của chúng tôi về hiện trạng giao thông địa phương, lãnh đạo xã Liên Minh ngần ngại: Cả xã chưa có mét đường nào được trải nhựa hoặc đổ bê tông. Nếu lũ sông Rong lên cao thì nhiều ngày sẽ không có chiếc ô tô nào vào được xã, các tuyến đường đều nhỏ hẹp, lầy lội, đi lại rất vất vả.
Vì vậy, phát triển hạ tầng giao thông là trăn trở lớn nhất của lãnh đạo xã đồng thời cũng là khao khát nhiều năm của người dân nơi đây. Đến năm 2014, Liên Minh mới triển khai làm tuyến đường bê tông nông thôn mới (NTM) đầu tiên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này xác định phát triển giao thông là ưu tiên hàng đầu, là “chìa khóa” giúp địa phương vượt khó. Cùng với việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ cấp trên, xã đặc biệt khó khăn này rất coi trọng phát huy nội lực của người dân để làm đường. Nhiều hộ dân trong xã hiến hàng nghìn mét vuông đất mở đường, đóng góp hàng triệu đồng đối ứng dù đời sống còn nhiều khó khăn. Đến nay, cùng với gần 9km tuyến Tỉnh lộ 265D chạy qua, xã Liên Minh đã xây dựng được 11,5/23,5km đường trục xã, liên xã đạt chuẩn; 17,6/31,3km đường trục xóm, liên xóm đạt chuẩn NTM; cứng hóa hơn 3km đường ngõ xóm và trục chính nội đồng… Bà Phan Thị Xuân, người dân xóm Khuân Nang (xóm 100% đồng bào dân tộc Dao, hiện còn gần 50% hộ nghèo) bày tỏ: Trước à, đi lại khổ lắm, toàn đường đất lại phải qua 9 đoạn suối nữa nên mưa lũ là không đi đâu được. Năm ngoái, tuyến đường trục xóm gần 5km được làm mới, ai cũng rất vui, cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều. Mới đây, chúng tôi lại đóng góp mỗi hộ 2 triệu đồng để làm thêm gần 2km đường bê tông nữa.
Cũng như Liên Minh, mạng lưới giao thông tại các xã khác, kể cả 6 xã phía Bắc có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất huyện Võ Nhai cũng đã được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào. Những địa bàn dân cư nhiều năm trước gần như biệt lập với bên ngoài bởi giao thông trắc trở như các xóm: Thượng Lương, Na Hấu (xã Nghinh Tường), Khuổi Mèo (xã Sảng Mộc); Lũng Hoài, Lũng Luông, Lũng Cà (xã Thượng Nung); khu Đồng Ươm (xã Dân Tiến); khu Lân Thùng (xã Phương Giao); vùng Quảng Phúc (xã Bình Long)… nay đã có đường bê tông hoặc đường nhựa đến trung tâm. Cùng với Chương trình 135 và nhiều nguồn vốn khác, Đề án 2037 (Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống) của tỉnh được triển khai từ năm 2014 cũng đã góp phần cải thiện đáng kể hệ thống giao thông đến những xóm, bản khó khăn nhất huyện.
Đường bê tông trên xóm Lũng Luông.
Vẫn chuyện khoảng 7 năm trước, một lãnh đạo xã Thượng Nung đưa chúng tôi lên Lũng Hoài, Lũng Luông tác nghiệp, mọi người chỉ đi xe máy được vài trăm mét, hết chân dốc đầu tiên đã phải để xe ngang đường rồi cuốc bộ. Trong lòng ai cũng ước ao người dân nơi đây sớm được đầu tư làm đường. Nay điều đó đã thành hiện thực, những tuyến đường bê tông vượt núi đã đến trung tâm các xóm, từ xã lên xóm giờ chỉ mất khoảng 20 phút đi xe máy. Tỷ lệ hộ nghèo tại 3 xóm người dân tộc Mông tại xã Thượng Nung còn cao nhưng cùng với sự đầu tư của tỉnh, bà con đã có ý thức tự giác đóng góp để làm đường bê tông nội xóm…
Đó là những điều rất đáng mừng. Bởi không chỉ được các cấp, ngành ưu tiên đầu tư mà người dân huyện vùng cao này đã thực sự vào cuộc, góp sức cùng cải thiện hạ tầng giao thông, thể hiện trách nhiệm với vấn đề mà lâu nay họ chủ yếu trông chờ vào Nhà nước. Theo thống kê, huyện Võ Nhai hiện có tổng số trên 900km đường các loại, trong đó số đã được kiên cố hơn 70%, 7/14 xã đạt tiêu chí giao thông NTM, nhiều xã đạt tỷ lệ cứng hóa cao như: Lâu Thượng, Phú Thượng, La Hiên, Tràng Xá, Dân Tiến… Cùng với phong trào hiến đất, đối ứng làm đường được người dân tích cực hưởng ứng, huyện Võ Nhai đã và đang được thụ hưởng nhiều dự án phát triển giao thông có quy mô khá lớn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Đó là các dự án xây dựng những tuyến đường liên kết vùng, đường liên xã, liên huyện như: ĐT 265D, đường Tràng Xá - Phương Giao - Bắc Sơn, đường Bình Long Quảng Phúc, đường Vũ Chấn - Cao Sơn - Cao Biền… góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của địa phương.
Tuy vậy, nhìn tổng thể, giao thông ở Võ Nhai vẫn chưa hết khó khăn vì địa bàn rộng lại bị chia cắt mạnh bởi nhiều đồi núi và sông suối, dân cư thưa thớt. Một số cộng đồng dân cư trên địa bàn, nhất là ở những xóm, bản đồng bào Mông, đồng bào Dao sống xa trung tâm vẫn ngày đêm khao khát có những còn đường dễ đi hơn. Do đó, huyện rất mong được cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư, đồng thời phát huy nội lực trong nhân dân để từng bước xóa những vùng còn tình trạng gần như bị biệt lập về giao thông.