Từ một vùng đất nghèo, cán bộ, nhân dân xã Tiên Hội (Đại Từ) đã cải biến, tạo dựng nên cuộc sống no ấm, sung túc. Tất cả đều từ Nghị quyết đi ra, từ nhân dân mà ra, tôi nghĩ như thế khi được trải nghiệm ở vùng quê nửa đồng, nửa núi với những nương chè xanh, vườn quả lúc lỉu và cánh đồng rau vào vụ Tết.
Xã Tiên Hội có 16 xóm, với hơn 1.800 hộ, hơn 6.700 nhân khẩu, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Hiện có hơn 1.500 hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Ông Trần Đức Quý, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Nông dân Tiên Hội năng động, nhạy bén với kinh tế thị trường nên đã làm thay đổi được cuộc sống của chính mình. Hiện xã có hơn 100 hộ làm kinh tế giỏi, đạt thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm.
Ở huyện Đại Từ, Tiên Hội là một trong những xã có giao thông thuận lợi. Quốc lộ 37 đi qua địa bàn được ví như “cột sống”, rồi từ đó có các đường nhánh “xương cá” xây dựng bằng bê tông tỏa về từng xóm, ngõ. Đi trên các trục đường sạch đẹp, nhiều người dân phấn chấn kể: Để có được những tuyến đường rộng rãi, thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hoá nông sản, gần 1.000 lượt hộ dân của xã đã tự nguyện hiến 45.000m2 đất và nhiều tài sản, hoa màu trên đất. Cũng từ sức dân tham góp cùng Nhà nước mà xóm Đồng Trung có kè chắn lũ, và cây cầu chắc chắn bắc qua khe cho nhân dân đi lại bảo đảm an toàn. Rồi các khu vực thuộc vùng sản xuất tập trung; khu sản xuất rau công nghệ cao của xã được làm đường bê tông. Tại các cánh đồng Bãi Cải, Trung Na 2, hệ thống thủy lợi được xây dựng chắc chắn cho nông dân chủ động mùa vụ. Đặc biệt từ 3 năm gần đây, chi hội phụ nữ từng xóm tổ chức cho hội viên trồng hoa dọc 2 bên lề đường.
Tiên Hội còn là vùng đất có nhiều tỷ phú trồng bưởi. Điển hình ở xóm Tiên Trường 1 có gia đình ông Trần Văn Nhâm, gia đình ông Trần Văn Quý; xóm Tiên Trường 2 có gia đình ông Lương An Hưng, gia đình bà Lục Ngọc Lệ... Đây là các hộ có mô hình trồng bưởi Diễn quy mô 300 đến 600 gốc. Từ 3 năm gần đây, các hộ này đạt thu nhập từ 250 đến 500 triệu đồng từ trồng bưởi Diễn… Bưởi Diễn được trồng thành vùng, nên sản phẩm không bị lai tạp. Hiện hơn 300 hộ dân trong xã đã trồng được hơn 80ha, hộ ít trồng 60 gốc, hộ nhiều trên 600 gốc. Ngoài bưởi Diễn, Tiên Hội còn có nhãn, vải, cam, thanh long, ổi, chuối… khoảng 20ha.
Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Trung Na chuẩn bị vụ rau Tết.
Cùng với cây ăn quả, hiện Tiên Hội có tổng diện tích chè hơn 300ha, trong đó có khoảng 60% là diện tích chè cành giống mới, cho năng suất, chất lượng cao, chủ yếu các giống: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Thọ... sản lượng đạt hơn 3.000 tấn chè búp tươi/năm, tương đương 600 tấn chè búp khô. Với giá bán bình quân 150.000 đồng/kg, mỗi năm cây chè mang lại cho nông dân xã Tiên Hội số tiền 90 tỷ đồng.
Đến Tổ hợp tác chè an toàn Tiên Trường 2, bà Nguyễn Thị Toàn, thành viên Tổ Hợp tác chia sẻ: Tổ hợp tác thành lập năm 2015, ban đầu có 25 thành viên, với diện tích đất chè hơn 10ha. Đến nay phát triển lên 30 thành viên, với diện tích chè 20ha, 100% chè của Tổ hợp tác được sản xuất theo quy trình VietGAP… Trong xã, nhiều nông hộ không tham gia Tổ hợp tác, nhưng cũng tự nguyện sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, xóm Tiên Trường 1 cho biết: Tham gia mô hình sản xuất chè an toàn, nông dân chúng tôi thấy có nhiều lợi ích lâu dài, nên tích cực vận động nhau hạn chế sử dụng bón chè bằng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng cây ăn quả và cây chè, cây rau cũng được người Tiên Hội quan tâm phát triển. Với mục đích hướng tới sự an toàn cho người trồng rau và người tiêu dùng, từ hơn 3 năm nay, các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Trung Na đều đặn cung cấp cho thị trường Thái Nguyên trên 60 tấn rau xanh các loại. Ông Nguyễn Quang Nạp, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trung Na cho biết: Để có sản phẩm rau an toàn, chúng tôi góp tiền xây dựng nhà kính, nhà chứa thuốc bảo vệ thực vật và nhà chứa phân bón, với số tiền đầu tư ban đầu hơn 3,6 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tô Viết Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã tâm đắc: Mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân có tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế, biết phá thế độc canh cây lúa và sản xuất theo hướng nhu cầu thị trường. Hơn thế, đó là tinh thần đoàn kết, cùng hợp tác sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nên đã cải biến đất nghèo Tiên Hội xưa, thành một Tiên Hội trù phú như hôm nay.