Giải ngân vốn đầu tư công: Thúc tiến độ, tìm giải pháp

07:27, 28/04/2022

Tính đến hết quý I, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công của Thái Nguyên mới đạt 13% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 12% so với kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, kết quả này vẫn cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ phía các chủ đầu tư. Theo đó, nhiều giải pháp đã và đang được triển khai nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong năm nay.

Quyết liệt gỡ khó

Năm 2022, Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 5.518 tỷ đồng, tỉnh đặt mục tiêu giải ngân 6.241 tỷ đồng. Tính đến hết quý I, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh được 730 tỷ đồng, tỷ lệ đạt tương đương so với cùng kỳ năm 2021, nhưng về số tuyệt đối tăng 339 tỷ đồng (do tổng kế hoạch vốn năm nay của tỉnh tăng so với năm trước). Theo dự ước của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến cuối tháng 4, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh sẽ đạt 1.315 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch năm Thủ tướng Chính phủ giao và 21% kế hoạch của tỉnh.

Theo bà Dương Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xác định việc giải ngân kế hoạch đầu tư công là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng tưởng kinh tế - xã hội (KT-XH) nên công tác giao kế hoạch vốn đã được tỉnh triển khai đồng bộ ngay từ tháng 12-2021 và những ngày đầu năm 2022. Điều này giúp các đơn vị, địa phương chủ động trong việc lập kế hoạch triển khai thực hiện. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch, chỉ thị để chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm.

Theo đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân cao, còn thiếu vốn…

Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo việc giải ngân theo kế hoạch.

Còn nhiều vướng mắc

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh gặp phải không ít khó khăn. Ông Ninh Trung Kiên, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý đầu tư xây dựng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, chia sẻ: Đầu tiên phải kể đến tác động của dịch COVID-19 đã khiến các dự án đều rơi vào tình trạng thiếu người, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu. Cùng với đó là vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB ở một số dự án, nhất là các dự án chuyển tiếp, khởi công mới.

Ngoài ra, theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính: Một số dự án bị ảnh hưởng bởi giá vật liệu tăng cao so với thời điểm phê duyệt dự toán, đặc biệt là sắt thép và vật liệu xây dựng. Một số khác do khởi công mới nên đang trong quá trình tổ chức triển khai, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán, thực hiện các bước để lựa chọn nhà thầu.

Chính vì thế, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Phương Hoa cho rằng, 6 tháng đầu năm, các dự án khởi công mới sẽ gần như không có khối lượng. Nhưng sau thời điểm này, kết quả giải ngân sẽ khác.

Những đề xuất, kiến nghị

Hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là mục tiêu tất cả các địa phương, chủ đầu tư đều phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này thì những khó khăn, vướng mắc cần phải được quan tâm, giải quyết kịp thời. Do đó, các chủ đầu tư cho rằng, việc các địa phương phối hợp để làm tốt công tác bồi thường GPMB được xem là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, thậm chí mang tính chất quyết định, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, về phía các chủ đầu tư cũng cần thực hiện việc phân công, phân nhiệm rõ ràng và xây dựng kế hoạch chi tiết đối với công tác thực hiện, giải ngân của từng dự án; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Còn theo đại diện lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh: UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý các dự án chủ động thực hiện hoàn thiện ngay đối với các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán. Đối với các dự án chuyển tiếp, tích cực triển khai thi công, khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục thanh toán để gửi Kho bạc giải ngân. Đối với các dự án có kế hoạch vốn khởi công mới, cần khẩn trương bồi thường GPMB, hoàn thiện bản vẽ thi công dự toán, hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công dự án trong thời gian sớm nhất.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong việc tổ chức triển khai thực hiện những giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, bám sát công trình, dự án để kịp thời giải quyết những vướng mắc. Đồng thời coi giải ngân vốn đầu tư là một trong những tiêu chí đáng giá xếp loại công chức hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Đối với những trường hợp dự án thực hiện giải ngân chậm, Sở sẽ tổng hợp, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn cho những dự án có khả năng giải ngân vốn nhanh…

Có thể nói, việc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giúp phục hồi, phát triển KT-XH, tạo động lực quan trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cả nước và thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc triển khai các giải pháp giải ngân kế hoạch đầu tư công cần được đặc biệt quan tâm. Song đi cùng với đó là các thủ tục pháp lý cũng như chất lượng thi công các dự án phải đảm bảo, tránh những sai sót, thậm chí là vi phạm không đáng có.