Khi các hợp tác xã tham gia phát triển du lịch

07:37, 26/04/2022

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình hợp tác xã (HTX) du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các HTX du lịch này đã tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho các người dân, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Được thành lập tháng 9-2019, đến nay, HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xóm Tiền Tiến, xã Bình  Sơn (TP. Sông Công) có 21 thành viên và hơn 10 hộ dân liên kết. Hiện hoạt động của HTX chủ yếu tập trung ở các nhóm dịch vụ: Điều hành tour du lịch, dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ quảng bá, tổ chức tour du lịch; cơ sở lưu trú, bán một số đồ dùng gia đình…

Anh Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX, cho biết: Tận dụng lợi thế 80ha diện tích mặt nước và không khí trong lành, mát mẻ của hồ Ghềnh Chè, HTX đã liên kết với các hộ dân trong khu vực nuôi 30 lồng cá với tổng diện tích 10.000m2, vừa để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách vừa để mọi người chiêm ngưỡng khi đến tham quan. Các thành viên trong HTX cũng đã đầu tư xây dựng 2 nhà sàn, 1 nhà tiếp đón, nhà ăn, bãi đỗ xe, bến thuyền trên khuôn viên rộng 3ha; đầu tư hàng trăm triệu đồng mua mới 5 thuyền to (chở được 30-40 người/chuyến) để phục vụ du khách tham quan quanh hồ, cắm trại ở khu vực đồi thông; 3 ván chèo giành cho những du khách đam mê khám phá.

Ngoài ra, HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè cũng liên kết với HTX trà Cao Sơn (xóm Khe Lim, xã Bình Sơn) tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thăm trải nghiệm thực tế thu hái, chế biến, thưởng thức chè… Trong hơn 1 tháng trở lại đây, khi du lịch trong nước và Thái Nguyên “mở cửa" hoàn toàn, trung bình mỗi ngày, HTX đón 30-40 lượt khách và cuối tuần có thể lên đến 100-200 lượt khách trong và ngoài tỉnh. Đây là khởi đầu đầy tốt đẹp giúp HTX tái khởi động sau 1 thời gian dài bị  ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè đón nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm.

Không riêng HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư, khai thác phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà. Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, người dân tại các vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh như: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ), Trại Cài, Sông Cầu (Đồng Hỷ), Phú Đô, Tức Tranh (Phú Lương) đã đầu tư chỉnh trang nương chè, nâng cấp nhà cửa, tạo cảnh quan sạch đẹp để thu hút khách du lịch.

Một số HTX và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được không gian thưởng trà, trưng bày các sản phẩm trà và khu vực chế biến chè có không gian rộng rãi, có thể đón và phục vụ các đoàn khách với số lượng hàng trăm người đến tham quan, trải nghiệm. Tiêu biểu như HTX Tâm Trà Thái, HTX Hảo Đạt, HTX chè và du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX chè La Bằng... Khi đến tham quan những nơi này, các đoàn khách có thể kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, họp lớp gắn với hoạt động trải nghiệm, dã ngoại tại các vùng chè, trực tiếp lao động sản xuất cùng người dân, thưởng thức đặc sản do tự tay mình chế biến.

Hiện nay, bên cạnh các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên cũng bắt đầu xuất hiện một số mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Đơn cử như tại HTX Dược liệu và Du lịch trải nghiệm nông nghiệp Đông Bo, xóm Là Đông, xã Tràng Xá (Võ Nhai).

Chị Chu Thị Hà, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX mới thành lập đầu năm 2022 với 21 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất của chúng tôi là 300ha. HTX định hướng phát triển theo hướng farmstay (trang trại du lịch), gắn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trồng các loại cây dược liệu và trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi… Hiện, HTX đã đầu tư trồng 20ha cây ăn quả các loại; trên 100 gốc cây cảnh, tạo thảm cỏ; trồng cây tam giác mạch; nhân giống và phục hồi các cây dược liệu quý bản địa có trong các bài thuốc tắm của đồng bào người Dao … Dự kiến khi đưa vào hoạt động vào tháng 10-2023, mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch này không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông mà cũng tăng thu nhập cho các thành viên, nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp dịch vụ.

Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 10 HTX du lịch. Việc tham gia vào hoạt động du lịch giúp các HTX có thêm nhiều sản phẩm, thành viên có thêm thu nhập, đồng thời làm môi trường du lịch của Thái Nguyên phong phú hơn, cảnh quan làng xã phong quang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, đa phần các HTX mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn, người dân vẫn chưa có nhiều kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng chuyên nghiệp.

Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình HTX du lịch, góp sức đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Ngành chức năng cần tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân, thành viên HTX làm dịch vụ du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, liên kết, có chiến lược kinh doanh giữa các HTX trên địa bàn với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá đến đông đảo khách du lịch.