Thu gọn điểm trường: Không “dục tốc” để rồi “bất đạt”

07:37, 25/04/2022

Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thu gọn các điểm trường trên địa bàn tỉnh là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh ngành Giáo dục đang đẩy mạnh đổi mới chương trình dạy và học. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, quá trình sắp xếp, thu gọn các điểm trường cần có lộ trình, bước đi phù hợp.

Nửa mừng, nửa lo

Điểm trường Khuân Ruộng thuộc xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai), cách Trường Tiểu học Đông Bo (điểm trường chính) khoảng 2km. Điểm trường có 3 lớp, từ lớp 1 đến lớp 3, tỷ lệ học sinh (HS) là 8,7 em/lớp. Tại đây, ngoài 3 phòng học, diện tích sân chơi rất hẹp, điểm trường muốn tổ chức các hoạt động tập thể rất khó khăn. Vì vậy, khi chủ trương sáp nhập điểm trường Khuân Ruộng về Trường Tiểu học Đông Bo, không riêng giáo viên mà rất nhiều phụ huynh cũng ủng hộ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Triệu Văn Đại, phụ huynh HS Triệu Văn Đức, lớp 2D, cho rằng: Ở đây không có phòng chức năng như phòng học Tin học, thư viện, phòng Âm nhạc, Mỹ thuật nên khi về điểm trường chính, các cháu sẽ có môi trường học tập tốt hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn nếu trường chính không tổ chức ăn bán trú thì một ngày, tôi phải đưa - đón con đi học đến 4 lượt, khá vất vả.

Ngoài Khuân Ruộng, Trường Tiểu học Đông Bo còn 2 điểm trường lẻ khác ở xóm Là Bo (3 lớp) và Chòi Hồng (5 lớp). Theo kế hoạch, Nhà trường sẽ thu gọn 2 điểm trường ở xóm Hợp Nhất và Là Bo về điểm trường chính.

Cô giáo Vũ Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Bo, cho biết: Điểm trường chính có 8 phòng học, trong đó có 1 phòng học Tin học. Nếu thu gọn 2 điểm trường, sẽ giảm được 3 lớp, số HS của mỗi lớp tăng từ 17,2 em/lớp, lên 20,6 em/lớp, vẫn đảm bảo thấp hơn so với quy định chung của khối Tiểu học, tối đa 35 HS/lớp. Tuy nhiên, cái khó nhất là Nhà trường phải ngăn nhà đa năng, phòng Âm nhạc, phòng Công tác Đội để cho HS học. Trong khi đó năm học tới, Trường đến kỳ công nhận lại chuẩn Quốc gia. Ngoài ra, nếu giảm số lớp sẽ kéo theo việc phải giảm 5 giáo viên. Trong khi có giáo viên hợp đồng đã giảng dạy tại trường trên 10 năm, trình độ chuyên môn tốt, rất tâm huyết với công việc. Điều này khiến các thầy cô không khỏi lo lắng.

Không riêng Trường Tiểu học Đông Bo, theo kế hoạch, sắp tới, Trường Tiểu học Dân Tiến 1 (Võ Nhai) cũng sẽ sáp nhập điểm trường Làng Chẽ (3 lớp học) về điểm trường chính. Còn điểm trường Đồng Vòi, cách điểm trường chính khoảng 11km, HS sẽ chuyển sang học tại Trường Tiểu học Bình Long 1.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Tiến 1: Nếu thu gọn điểm trường lẻ về trường chính, Nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong công tác quản lý, nhất và về chuyên môn. Đặc biệt, năm học 2022-2023, chúng tôi sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3. Tuy nhiên, do thiếu phòng học, Trường sẽ phải sắp xếp lại cơ sở vật chất và không còn các phòng bộ môn như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật và phòng Công tác Đội.

Điểm trường Khuân Ruộng thuộc Trường Tiểu học Đông Bo (Võ Nhai) ít học sinh, cơ sở vật chất không đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mở rộng quỹ đất, đầu tư thêm phòng học

Theo báo cáo của ngành Giáo dục, năm học 2021-2022, Thái Nguyên có 194 trường mầm non, phổ thông có điểm trường lẻ, (tổng số 338 điểm trường lẻ). Khoảng cách từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ từ 0-2km có 70 điểm (mầm non 52, tiểu học 18); trên 2-5km có 184 điểm (mầm non 101, tiểu học 83); từ 5-10km có 71 điểm (mầm non 49, tiểu học 29, THCS 2) và trên 10-13km điểm trường (mầm non 7, tiểu học 6). Giai đoạn 2021-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, dồn các điểm trường cách trường chính từ 2km trở xuống để đưa về điểm trường chính.

Song khi thực tế tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy không chỉ các trường ở những huyện miền núi, vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai gặp khó khăn do thiếu phòng học, mà ngay tại TP. Thái Nguyên cũng gặp tình cảnh tương tự. Theo bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên: Nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố có số HS vượt quá quy định tối đa 35 HS/lớp. Nhiều phòng học xây dựng cách đây hơn 10 năm nên diện tích hẹp, thiếu quỹ đất mở rộng trường, lớp, nếu thu gọn điểm trường, tăng số HS trên lớp thì càng khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Tại cuộc họp của UBND tỉnh diễn ra mới đây về vấn đề này, nhiều đại biểu cũng nêu những khó khăn khi thu gọn điểm trường. Vì hiện nay, các địa phương chưa có chính sách cụ thể về việc mở rộng quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường chính khi dồn ghép các điểm trường lẻ. Mặt khác, việc đưa đón trẻ đi học của một số địa phương miền núi khó khăn do điểm trường chính xa nhà, ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động HS đi học, nhất là đối với cấp mầm non.

Phải khẳng định lại rằng, việc sắp xếp, thu gọn các điểm trường là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực. Theo đó, các trường sẽ tập trung bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương... Nếu HS học tại các điểm trường sẽ càng khó khăn hơn trong việc tổ chức dạy học và các hoạt động bổ trợ khác.

Hiện nay, toàn ngành Giáo dục đang tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh HS. Cùng với đó, các địa phương cũng tiếp tục rà soát, thống nhất với ngành Giáo dục để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, để việc sắp xếp, thu gọn các điểm trường đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, ngành Giáo dục và các địa phương cần tính toán lộ trình, thời điểm, đặc biệt là tiếp tục huy động các nguồn lực để mở rộng trường ở những nơi có điều kiện; đầu tư xây dựng các phòng học để giữ chuẩn và nâng chuẩn.